Thông tin về cây thạch xương bồ
Thạch xương bồ còn được gọi là: xương bồ, thủy xương bồ, cửu tiết xương bồ. Cây thuộc họ Ráy, có vị cay, tính ổn giúp hóa thấp hòa vị, khai thiếu ninh thần.
Tên khoa học: Rhizome Acori graminei.
Tên thực vật: Acorus gramineus soland.
Mô tả cây thảo dược thạch xương bồ
Cây thạch xương bồ là cây cỏ sống nhiều năm. Thân rễ chia thành nhiều nhánh, mọc bò ngang và có nhiều đốt. Lá hình dải hẹp, mọc ốp vào nhau và xòe sang hai bên ở ngọn. Thân rễ và lá có mùi thơm rất đặc trưng. Cụm hoa thạch xương bồ hình bông, mọc ở đầu một cán dẹt. Quả mọng khi chín có màu đỏ nhạt.
Cây thạch xương bồ mọc ở đâu?
Ở nước ta, thạch xương bồ mọc rộng rãi tại rừng núi, suối, trên những tảng đá có nước chảy.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ và lá Thạch xương bồ
Thu hái: Người ta thu hái rễ cái to và lá thạch xương bồ vào mùa thu và mùa đông hàng năm.
Chế biến: Sau khi thu hái, người ta sẽ mang đi rửa sạch đất cát, sau đó phơi hoặc sấy khô. Rễ khô sẽ có màu nâu, cứng, ngắn gióng, thơm và mắt dày. Thịt bên trong màu hồng, không vụn nát là có thể sử dụng để làm thuốc. Nếu rễ có màu đen thường không thơm.
Thành phần hóa học
+ Thạch xương bồ có chứa tinh dầu, asaron, một ít chất phenol và acid béo.
Tác dụng cây thạch xương bồ
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Xương bồ giúp ngăn chặn quá trình lên men không bình thường trong dạ dày và ruột từ đó giúp giảm căng thẳng của cơ trơn ruột.
- Sát trùng, ức chế vi khuẩn gây bệnh ngoài da.
- Giúp an thần, ngủ ngon, chống co giật.
Theo Đông Y:
Chủ trị các bệnh suy nhược thần kinh, đau nhức xương khớp, ăn không ngon, khó thở, hồi hộp, ù tai, điếc tai, đau đầu…
Tổng hợp các bài thuốc chữa bệnh từ cây thạch xương bồ
Trị ho lâu ngày không khỏi: sử dụng 5g mỗi vị thuốc: lá thạch xương bồ, hạt quất, hạt chanh, mật gà đen rửa sạch với chút nước muối. Sau đó mang đi giã nát, thêm một ít mất ong vào hỗn hợp, trộn đều. Nếu không có mật ong có thể thêm đường phèn. Mang thuốc hấp cơm. Chắt lấy phần nước thuốc uống làm nhiều lần trong ngày. Dùng liên tục 3-5 ngày sẽ cải thiện rõ rệt bệnh ho.
Thạch xương bồ điều trị phong thấp: chân tay liệt, không duỗi thẳng được: Dùng thạch xương bồ rửa sạch với nước muối, để ráo nước. Sau đó mang đi ngâm với nước vo gạo và rửa sạch. Cho nguyên liệu trên vào cối giã nát rồi ngâm cùng rượu trắng. Mỗi ngày uống 50ml, uống liên tục 5 ngày sẽ có hiệu quả. Hoặc người bệnh có thể tán thành bột mịn, viên thành viên rồi uống 8g/ngày.
Bài thuốc chữa bệnh gút: Quế chi 10g, tất bát 12g, rễ cỏ xước 20g, 16 g mỗi vị: xương bồ, bồ công anh, đinh lăng, ngũ gia bì, cát căn, cà gai leo, đơn hoa, trinh nữ và kinh giới. Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Chữa đau thần kinh tọa, đau nhức cơ thể: 20g mỗi vị: Nhân hạt gấc (sao vàng), thạch xương bồ và củ riềng, quế chi 24g, 16g trần bì và thiên niên kiện. Ngâm với rượu trong vòng 10 ngày. Sau đó mang ra xoa bóp xương khớp để cải thiện triệu chứng đau.
Trị cảm lạnh chân tay nhức mỏi, rối loạn nhịp tim, tiêu chảy, đầy bụng: 8g rễ thạch xương bồ rửa sạch với nước muối. Sau đó cho vào 500ml nước lọc, đun lửa nhỏ cho tới khi còn 200ml thì uống trong ngày, uống khi còn ấm.
Điều trị chứng khó ngủ, hồi hộp, chóng mặt, đau đầu: thạch xương bồ rửa sạch, thái nhỏ và sấy khô. Trộn dược liệu với 30% thảo thuyến minh đã sao đen, 25% mạch môn đã bỏ lõi và sao khô, 25% liên tâm đã sao qua. Mang tất cả vị thuốc tán thành bột mịn. Vo thành viên nhỏ khoảng 1,5g. Mỗi ngày uống 10-20 viên, chia làm 2 lần sử dụng.
Điều trị ù tai: 10g thạch xương bồ, 25g cúc hoa, 25g sa tiền thảo. Các vị thuốc rửa sạch với nước muối, sau đó đun cùng 1 lít nước. Sắc với lửa nhỏ trong 30 phút. Uống thay nước lọc mỗi ngày. Kiên trì sử dụng đều đặn từ 7 – 8 ngày.
Trị viêm bàng quang, lưng tê đau, tiểu buốt, tiểu đục: Tỳ giải 8g, thạch xương bồ 2g, xa tiền tử 6g, liên nhục 2.8g, bạch truật và phục linh mỗi vị 4g, hoàng bá 2g, đơn sâm 6g. Đem sắc các vị thuốc rồi uống hàng ngày.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây thạch xương bồ và các bài thuốc nam hay chữa bệnh nổi tiếng trong dân gian. Tuy nhiên người bệnh không nên tùy tiện sử dụng dược liệu và đong đo liều lượng không chính xác có thể khiến gây ra các tác dụng phụ. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về liều lượng, độ an toàn và những lưu ý trong quá trình sử dụng để chữa bệnh tốt nhất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: