Ai đã từng biết đến Truyện Kiều chắc hẳn không lạ gì câu thơ kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du dùng để miêu tả Sở Khanh:
“Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung“
Hoa phù dung thường được ví với những hồng nhan bạc mệnh bởi vẻ đẹp mong manh, ngắn ngủi, sớm nở tối tàn, lộng lẫy mà sầu não. Nhiều người e dè loài hoa này bởi những truyền thuyết bi đát về nó nhưng ít ai biết rằng phù dung còn là cây cảnh, cây thuốc tuyệt vời.
Đặc điểm
Phù dung (tên khoa học Hibiscus mutabilis, họ cẩm quỳ Malvaceae) (1) hay còn gọi là mộc phù dung, thủy phù dung, địa phù dung, túy tửu phù dung, phù dung thân mộc, phù dung núi, mộc liên, cự sương, sương giáng, thất tinh…
Thuộc dạng cây thân gỗ, nhỡ, có thể cao vài mét. Thân và cành phù dung có lông, lá phù dung mọc so le, có gân lá hình chân vịt, phiến lá có 5 thùy, mặt dưới lá có lông tơ. Hoa phù dung khá to, đẹp, mọc ở ngọn thân và đầu cành, buổi sáng có màu trắng, chuyển dần thành màu hồng vào buổi trưa và hồng sẫm vào buổi chiều. Quả phù dung hình cầu, có lông rậm màu vàng nhạt, hạt hình trứng và có lông dài.
Chiết xuất từ hoa phù dung được dùng để nhuộm vải, làm nước hoa với độ bền tốt. Cây phù dung ra nhiều hoa nhưng ít thấy quả, được nhân giống chủ yếu bằng cách giâm cành và được trồng làm cảnh là chủ yếu.
Công dụng giúp điều trị bệnh của cây phù dung
Bộ phận của cây phù dung thường được dùng làm thuốc là lá (tươi hoặc khô, hái vào mùa hạ và thu) và hoa phù dung (hái khi mới nở, phơi khô), ngoài ra còn dùng vỏ rễ (hái vào mùa thu đông, phơi khô) và hạt.
Theo y học cổ truyền, lá và hoa phù dung có vị hơi cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu thũng và chỉ thống (2). Ngoài ra, lá và hoa phù dung còn giúp hạ nhiệt, giảm đau, thông tiểu tiện, điều trị viêm thận, viêm bàng quang, mụn nhọt, đinh râu, nhiễm khuẩn, sưng, lở ngứa da, viêm tử cung, huyết trắng và sưng đau vú.
Cách dùng: ngày dùng từ 5 – 20 g dưới dạng thuốc sắc (3)
Ngoài ra, có thể kể đến hai bài thuốc rất hữu hiệu có thành phần từ hoa và lá phù dung là:
- Phù dung tán (điều trị vú bị mụn mọc lấm tấm): lấy hoa hay lá phù dung phơi khô rồi tán bột, rắc lên.
- Điều trị ung nhọt sưng đau: lấy lá phù dung tươi, củ chuối tiêu và rau sam tươi (mỗi thứ 20 g) rửa sạch, giã nát rồi thêm ít muối, đắp vào chỗ đau và dùng vải, băng gạc băng bó lại, mỗi ngày đắp 2 lần (3).
Một số nghiên cứu về cây phù dung
- Theo Tập san sinh học và dược phẩm (Biological and Pharmaceutical Bulletin), kết quả nghiên cứu cho thấy một số hợp chất chiết xuất từ cánh hoa phù dung có tác dụng chống dị ứng đáng kể (4).
- Theo trang Wiley Online Library, chiết xuất methanolic của lá phù dung (axit ferulic và axit caffeic) giúp ức chế α – glucosidase, từ đó cho thấy tiềm năng kiểm soát bệnh tiểu đường của lá phù dung (5).
- Theo ScienceDirect – Parasitology International, chiết xuất methanolic từ lá cây phù dung còn có khả năng chống lại giun tròn Setaria cervi (6).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: