Ở nước ta, cây ngấy hương phát triển tốt với trữ lượng dồi dào, vì vậy, người Trung Quốc gọi nó là cây “Việt Nam huyền câu tử” (越南悬钩子) (1).
Bạn có biết, ngoài việc dùng lá ngấy hương nấu nước uống như trà thơm (với vị chát đậm, chát ngấy nên gọi thành tên), dân gian còn dùng thân, lá và quả của cây để làm thuốc không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những công dụng này nhé!
Vài nét về cây ngấy hương
Cây ngấy hương có tên khoa học là Rubus cochin – chinensis, thuộc họ Hoa hồng (2).
Đây là loài thân bụi với nhiều nhánh con và có gai nhỏ. Thông thường, bạn có thể nhận dạng ngấy hương với các loại ngấy khác bằng cách quan sát lá: mỗi lá ngấy hương gồm 5 lá chét, mép lá có dạng răng cưa và mặt dưới lá có lông.
Hoa ngấy hương có màu trắng và mọc thành chùm, quả ngấy gồm nhiều quả con màu đỏ và có thể ăn được (cho hương vị khá ngon).
Phân biệt: Cây ngấy hương trong bài viết này khác với:
- Cây mâm xôi (Rubus alceaefolius), quả của cây giúp bổ thận tráng dương, thân và lá làm thuốc kích thích tiêu hóa (3).
- Cây ngấy ba hoa (hay còn gọi là đụm ba hoa, Rubus trianthus), cả cây được dùng làm thuốc điều trị đòn ngã tổn thương.
- Cây ngấy hoa trắng (hay còn gọi là ngấy trâu, mắc hủ, Rubus leucanthus), lá cây được nấu uống với công dụng hỗ trợ tiêu hóa, rễ dùng làm thuốc bổ máu.
- Cây ngấy lá đay (hay còn gọi là đụm lá bố, Rubus corchorifolius), quả ngon và có tác dụng giải rượu, giải khát, giải độc… (2).
Công dụng làm thuốc của cây ngấy hương
Theo kinh nghiệm dân gian, lá ngấy hương có tính ấm nên có tác dụng trừ hàn thấp. Vì vậy, lấy lá ngấy hương nấu nước uống như trà hàng ngày sẽ giúp đen tóc, đẹp da, thân thể nhẹ nhàng, sống lâu. Bên cạnh đó, lá ngấy còn hỗ trợ tiêu hóa, điều trị vàng da do viêm gan và phù thũng.
Liều lượng: Mỗi ngày, lấy từ 15 – 30 g lá, nấu lấy nước uống (2).
Các bài thuốc có dùng cây ngấy hương
1. Điều trị cảm thấp khó tiêu, buồn nôn và sởn gai lạnh
- Chuẩn bị: lá ngấy hương đã phơi khô (40 – 50 g).
- Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày.
- Ghi chú: Nếu có củ gừng tươi thì cho thêm 3 g gừng và nếu có sả thì cho cùng 20 g lá sả (dùng ba thành phần thì sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn) (2).
2. Điều trị tóc khô cằn, không bóng mượt và dễ rụng
Nếu có điều kiện, bạn có thể hái quả ngấy chín, ăn thường xuyên, đồng thời kết hợp với ép lấy dầu bôi lên chân tóc thường xuyên.
Ngoài hai bài thuốc quen thuộc trên, dân gian còn dùng thân và lá cây ngấy hương để điều trị phù thũng (bằng cách sao vàng rồi nấu uống cùng với rễ tranh và cỏ mần trầu). Ngoài ra, ở Trung Quốc, rễ và lá cây ngấy còn được dùng điều trị nhức lưng, đùi, chân, tay… (2).
Nhìn chung, trên thế giới, các bài nghiên cứu về công dụng và hoạt tính của cây ngấy hương còn chưa nhiều. Tuy nhiên, trong thuocnam.mws.vn, loài cây này đã được ứng dụng từ rất lâu và cho thấy những giá trị nhất định của nó.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: