Cây me nước hay me keo đã từng là một loài cây, loại thảo dược vô cùng quen thuộc với người dân miền Nam Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên cùng với quá trình đô thị hóa mà ngày nay chúng ta dường như đã lãng quên cây dược liệu này. Bài viết của một độc giả chia sẻ về ký ức tuổi thơ gắn liền với cây me nước đầy kỷ niệm.
Bây giờ, người ta không còn thấy hình ảnh những tán cây me nước gie nhánh ra sông nhiều như trước nữa. Mặc dù vậy, ở vùng nông thôn, thi thoảng tôi vẫn thấy một vài cây me nước còn sót lại nhưng ít nhiều đã bị lãng quên.
Loài cây thân gỗ này còn được biết đến với những cái tên khác như me keo, keo tây, găng tây. Trong các phương pháp điều trị bệnh từ cây me nước thì việc nấu lấy nước uống (thủy phân dưới điều kiện nhiệt độ để thu hoạt chất) là phổ biến cho các bệnh như sốt (dùng vỏ), sốt rét (dùng rễ), đái tháo đường (dùng lá)…
Thế nhưng, đối với đời sống của những người dân ở quê tôi, cây me nước còn có công dụng hạ nhiệt, trị rôm sảy bằng những cách thức khác hơn.
Kỷ niệm về cây me nước
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh của những đứa trẻ bị sốt với hai vòng tay được làm bằng vải, có quấn bã của lá me nước đã được giập nát bên trong.
Mẹ tôi gọi cách hạ nhiệt này là “buộc cữ”. Bà hay bảo chúng tôi rằng bằng cách này, chất độc và chất nóng trong cơ thể sẽ bị hút vào cái vòng vải đó.
Còn nhớ trước đây, tôi và lũ trẻ trong xóm mỗi lần bị sốt đều phải đeo “cữ” như thế. Cảm giác thật không dễ chịu chút nào. Tôi tưởng như mình bị trói tay bởi hai vòng vải quá chật và chưa kể là thỉnh thoảng, nước từ bã lá me nước vẫn thấm qua lớp vải, vây ra áo rồi để lại những đốm màu xanh. “Cữ” để hạ sốt được buộc trên cổ tay khoảng một ngày như thế và khi đó, “cữ” cũng đã khô nước thì mẹ tôi mới gỡ ra, để lại trên hai cổ tay tôi hai lằn vải.
Nếu như vẫn còn sốt, mẹ tôi lại làm hai cái “cữ” khác cho đến khi nào hết bệnh mới thôi. Lũ trẻ chúng tôi đã lớn lên và quen dần với những vòng “cữ” như thế mặc dù tác dụng thực sự của nó vẫn còn là mảnh đất hoang cần đào xới và thực nghiệm.
Chúng tôi cũng biết rằng dù “buộc cữ” chỉ là biện pháp kèm theo các biện pháp chữa bệnh hiện đại khác nhưng đó lại là cách để cảm thấy an tâm hơn.
Một số công dụng của cây me nước
Ở quê tôi, người ta còn dùng lá me nước tươi nấu làm nước tắm để điều trị rôm sảy. Lá tươi được hái về, rửa sạch rồi đun khoảng 15 – 20 phút trong một lượng nước vừa đủ (không nên dùng nước khoan, nước bị phèn) sẽ cho ra thứ nước màu xanh trong, có mùi thơm dịu, nhu hòa. Lấy nước đó pha loãng cho vừa đủ ấm rồi dùng để tắm (ngâm mình trong nước khoảng 5 – 15 phút) sẽ giúp điều trị được rôm sảy, giúp da sạch và thơm.
Biện pháp này vừa tự nhiên, tốt cho da lại vừa hữu hiệu. Chính vì thế, ngay cả khi không bị rôm sảy, chúng tôi vẫn hay nấu lá me nước để tắm và say mê dần cái mùi thơm dễ chịu đó.
Bây giờ, mỗi lần bắt gặp những hình ảnh chia sẻ về các thức quà đồng quê, trong đó có hình những chùm me nước chín đỏ gợi nhớ tuổi thơ, tôi lại như ngửi thấy mùi thơm của nước lá me nước đâu đây. Cứ thoang thoảng, dịu dàng và nồng ấm.
Bất chợt, tôi thèm được tắm trong cái thứ nước tự nhiên ấy và nói với mọi người rằng: giữa biết bao loại nước hoa với các hương thơm quyến rũ khác nhau, có bao giờ bạn muốn thử cái mùi hương dịu dàng của lá me nước – âm thầm, nhu mì và dìu dịu?
Gửi câu hỏi cần giải đáp: