Cây mật nhân còn được biết đến với tên gọi cây bá bệnh. Đây là một loại cây được dân gian sử dụng khá nhiều trong nhiều bệnh lý khác nhau nên còn được gọi là cây bách bệnh. Mỗi nước trên thế giới đều có cách gọi riêng. Trong Đông y, cây mật nhân có vị đắng, tính mát và được quy vào kinh Can và Thận.
1. Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Cây Bá bệnh, Mật nhơn, cây Bách bệnh, Bá bịnh
- Tên khoa học: Eurycoma longifolia
- Tên tiếng Anh: Long Jack
- Tên tiếng Malaysia: Tongkat Ali
- Họ: Thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
+ Mô tả:
Cây mật nhân hay còn gọi là cây bá bệnh, là một loại cây thân gỗ quý, khi trưởng thành, cây có thể cao từ 15 – 20 mét. Loại cây này có nhiều lông, thường mọc dưới tán của những cây lớn khác. Từ thân cây lớn, cây được phân ra nhiều nhánh nhỏ.
Lá kép lông chim, lá không có cuống, gồm kép gồm 13 – 42 lá nhỏ mọc đối xứng nhau. Lá có hình trứng, dày, nhẵn, mặt lá trên có màu xanh lục, mặt dưới có màu trắng hơi xanh.
Hoa mọc thành cụm, có màu đỏ tươi hoặc đỏ nâu, lông tơ bao phủ. Mỗi loài hoa có 5 – 6 cánh nhỏ. Mỗi cây chỉ có một hoa đức hoặc một hoa cái.
Quả hình trứng, hơi dẹt, quả có rãnh ở giữa. Quả có màu xanh khi còn non và chuyển sang màu đỏ nâu khi quả đã chín. Trong mỗi quả có chứa 1 hạt nhỏ.
Rễ cây mật nhân thường có màu vàng hoặc màu vàng nhạt, có mùi thơm nhẹ. Rễ có hình trụ, vỏ ngoài có màu vàng nâu, trơn láng và phần lõi có màu vàng nhạt.
+ Phân bố:
Cây mật nhân được tìm thấy đầu tiên ở Indonesia và Malaysia. Và những năm về sau, loại cây này cũng được tìm thấy ở một số tỉnh thành thuộc quốc gia khác nhưng số lượng không được nhiều như: nam Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào và cả Việt Nam. Ở nước ta, câu mọc chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
3. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản
+ Bộ phận dùng: Hầu hết các bộ phận của cây mật nhân được sử dụng để bào chế thành thuốc chữa bệnh trừ phần hoa, bao gồm: lá, vỏ thân, quả, thân rễ. Trong tất cả các bộ phận thì phần rễ được sử dụng nhiều nhất.
+ Thu hái: Được thu hái vào thời điểm bất kỳ trong năm.
+ Sơ chế: Cây mật nhân sau khi thu hái được bào chế thành bột mịn, bột thô, chiết xuất bổ sung ở dạng viên nang hoặc chiết xuất chất lỏng từ gốc mật nhân. Quả được rửa sạch và đem phơi khô ngay. Rễ, thân cây và vỏ cây được chặt làm thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi nắng hoặc sấy cho khô.
+ Bảo quản: Bảo quản dược liệu đã được bào chế trong hũ thủy tinh hoặc trong túi ni lông và thắt chặt miệng, sau đó đem cất trữ ở nơi thoáng mát, tránh để ở nơi ẩm ướt để tránh tình trạng dược liệu nổi ẩm mốc.
4. Thành phần hóa học
Vỏ cây mật nhân có chứa làm lượng urycomalacton khá cao, đây cũng chính là thành phần gây đắng. Bên cạnh đó, vỏ cây mật nhân còn chứa nhiều thành phần khác như: quasin, camopesterol, hydroxyxeton, bsitorol, 2,6 dimetoxybenzoquinon,…
Bên cạnh đó, những bộ phận còn chứa các thành phần hợp chất khác như: hợp chất alcaloid (carbolin và 10-dimethoxycanthin), hợp chất quassinoid (longilacton, 15-β-dihydroxyklaineanon, eurycomalacton,…), hợp chất triterpen (niloticin, piscidinol A, và hyspidron), β – sitosterol, eurycoinanol, campestrol, glucopyranosid, 6 – dion,…
5. Tính vị – Quy kinh
Cây mật nhân có vị đắng, không độc, có tính mát, được quy vào kinh Can và Thận.
6. Tác dụng dược lý
Công dụng của cây mật nhân (bá bệnh) cũng giống như tên gọi của chúng. Loại cây này được cả giới dược lý hiện đại cũng như giới y học cổ truyền nghiên cứu và bào chế thành nhiều bài thuốc để trị bệnh. Chẳng hạn như các công dụng điển hình như sau:
- Tăng cường sinh lý nam giới, kích thích cơ thể tăng nồng độ hormone sinh dục nam giới một cách tự nhiên nhất, hỗ trợ cải thiện chứng yếu sinh lý, xuất tinh sớm, liệt dương, tăng sự ham muốn, nâng cao chất lượng tinh trùng,…;
- Trị chứng đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ;
- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ lâu ngày;
- Trị bệnh chàm, ghẻ lở, mẩn ngứa ở trẻ em;
- Kích thích đường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng;
- Chống lại ký sinh trùng gây sốt rét, sốt xuất huyết;
- Trị nhức mỏi xương khớp, nhức mỏi tay chân;
- Giải rượu;
- Tẩy giun.
7. Cách dùng – Liều dùng
Mỗi bài thuốc chữa bệnh là những cách dùng và liều lượng khác nhau và đó có thể là dạng thuốc ngâm rượu, ngâm sáp mật ong, nước sắc, chế thành cao hoặc hoàn thành viên từ bột mịn, cụ thể như sau:
# Sắc lấy nước dùng
Đem mật nhân đã cắt thành đoạn nhỏ rồi hãm cùng với nước sôi và sử dụng thay cho nước trà. Hoặc đem cây mật nhân sắc lấy nước uống. Liều lượng cho mỗi lần là 15 gram và có thể tăng nếu có nhu cầu.
# Tán thành bột mịn
Đem mật nhân thái nhỏ rồi tán thành bột mịn, thêm một ít mật hoặc nước ấm để hoàn thành viên tròn. Mỗi lần sử dụng 6 – 10 gram.
# Chế thành cao
Thái mật nhân thành các sợi nhỏ rồi tán thành bột mịn. Thêm một ít mật ong nhưng cho hơi nhiều để thành dạng sệt rồi đem nấu ở nhiệt độ khoảng 55 độ. Khi hỗn hợp nguội dần, cho hỗn hợp vào ngăn mát tủ lạnh. Liều lượng sử dụng mỗi lần là 1 thìa cà phê.
# Ngâm rượu
Mật nhân (rễ) cần được rửa sạch rồi thái mỏng, đem phơi nắng cho héo dần. Rồi đem ngâm cùng với một ít rượu khoảng 1 tháng sau là có thể sử dụng. Để giảm vị đắng có thể ngâm cùng với một ít táo mèo phơi khô và chuối hột phơi khô.
# Ngâm cùng sáp ong mật
Đem một lượng cây mật nhân đã thái mỏng và một ít sáp ong mật ngâm cùng với một lượng rượu. Sau 30 – 45 ngày ngâm là có thể sử dụng.
8. Những bài thuốc từ cây mật nhân
Trong Đông y, cây mật nhân được sử dụng khá nhiều bài thuốc, mang trong mình vị đắng, tính mát, không độc, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trị chứng đau bụng kinh, trị kiết lỵ, tiêu chảy, chứng đau nhức xương khớp ở tay chân,… Và dưới đây là một số bài thuốc, bạn đọc có thể tham khảo:
# Bài thuốc từ mật nhân cải thiện các bệnh lý chức năng gan:
Đem 30 gram cây mật nhân sắc cùng với 1 lít nước lạnh. Sắc cho đến khi nước cô đặc lại còn phân nửa là được. Chắt lấy phần nước để dùng trong ngày và nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Dùng 10 gram cây mật nhân cùng với 70 gram cây cà gai leo và 30 gram diệp hạ châu. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 1 lít nước, sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn 500 ml nước. Chia thành 3 – 4 lần dùng trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
# Bài thuốc từ mật nhân chữa chứng đau bụng, ăn không tiêu, bị trướng bụng:
Dùng rễ mật nhân, cam thảo, hoắc hương, hậu phác, trần bì, dây mơ, củ bồ bồ, củ sấu, cây sả mỗi vị 50 gram. Đem một thang thuốc gồm các nguyên liệu trên rửa sạch với nước, vớt ra đem phơi khô rồi tán thành bột mịn, cất trong hũ thủy tinh để dùng dần. Mỗi lần sử dụng 12 gram hãm cùng với nước nóng để dùng.
# Bài thuốc từ mật nhân trị bệnh gout:
Đem một ít nhật nhân sắc cùng với 500 ml nước, sắc cho đến khi nước cô đặc lại còn khoảng 200 ml là được. Chia thành 2 – 3 lần trong ngày. Kiên trì trì sử dụng mỗi ngày để cải thiện chứng đau nhức do bệnh gout gây ra.
# Bài thuốc từ mật nhân trị khí huyết kém, cơ thể dễ bị nóng trong người:
Đem các vị thuốc sau đây sắc lấy nước uống, bao gồm: rễ mật nhân, đậu đen, rau muống biển, hà thủ ô, dây gùi, cỏ xước, rễ ô môi, tang chi, dây ký ninh mỗi vị 10 gram.
# Bài thuốc từ mật nhân hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường:
Đem 20 gram mật nhân rửa sạch với nước rồi thái mỏng, đem phơi khô rồi sao cho vàng. Sau đó đem sắc cùng với một lượng nước để sử dụng thay cho nước trà.
# Bài thuốc từ mật nhân giúp kích thích hệ tiêu hóa:
Dùng 20 gram rễ mật nhân cùng với 10 gram quả chuối sứ khô (nướng cho vàng). Đem hai nguyên liệu trên ngâm cùng với 1 lít rượu trắng ngon, sau 7 ngày là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng 1 chén thủy tinh nhỏ (tương ứng với 30 ml), dùng mỗi ngày 3 lần vào mỗi buổi sáng, trưa và tối.
# Bài thuốc từ cây mật nhân chữa rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, hay bị đau bụng khi có kinh ở phụ nữ:
Đem 15 gram rễ cây mật nhân sắc cùng với một lượng nước vừa đủ, sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn phân nửa là được. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên. Thuốc sẽ phát huy công dụng sau 7 – 10 ngày sử dụng đều đặn.
# Bài thuốc từ mật nhân trị bệnh chàm, ghẻ, mẩn ngứa ở trẻ em:
Đem 2 – 3 nắm lá cây mật nhân rửa sạch nhiều lần với nước rồi đem đun nước tắm. Rửa kỹ vùng da của trẻ bị tổn thương, dùng phần bã chà xát nhẹ nhàng để tăng công dụng.
# Bài thuốc từ cây mật nhân chữa tiêu chảy, kiết lỵ:
Đem một ít quả mật nhân sắc cùng với một lượng nước vừa đủ để uống. Sau 3 – 5 ngày sử dụng, chứng tiêu chảy, lỵ dần được tiêu biến.
# Bài thuốc từ cây mật nhân giúp tẩy giun, trị chứng đầy hơi, khó tiêu, giải độc rượu:
Đem một ít rễ cây mật nhân sắc cùng với một lượng nước vừa đủ, sắc cho đến khi nước cô đặc lại rồi chia thành 2 lần uống trong ngày.
# Bài thuốc từ cây mật nhân giúp cải thiện sinh lý nam giới:
Dùng 400 mg cây mật nhân, 50 mg nhân sâm và 50 gram linh chi. Đem những nguyên liệu trên tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên nang và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
9. Một số lưu ý khi sử dụng các bài thuốc từ cây mật nhân
Bên cạnh việc nắm rõ những thông tin về loại dược liệu này, bạn cũng nên biết thêm một số lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này như: chống chỉ định sử dụng, tác dụng phụ và tương tác thuốc.
Chống chỉ định sử dụng
Không sử dụng các bài thuốc từ cây mật nhân cho các đối tượng dưới đây:
- Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong cây mật nhân hoặc các loại dược liệu khác có trong bài thuốc;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc có dấu hiệu mang thai;
- Trẻ em dưới 9 tuổi;
- Đối tượng mắc bệnh tim mạch, dạ dày, bệnh gan,…;
- Đối tượng có vấn đề về chức năng nội tạng.
Bên cạnh đó, các đối tượng vừa mới hồi phục bệnh cũng không nên sử dụng các bài thuốc từ cây mật nhân. Bởi vì, khi đó cơ thể chưa được phục hồi hoàn toàn, bệnh lý có thể tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn.
Tác dụng phụ
Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ cây mật nhân bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như:
- Buồn nôn, nôn;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Kích ứng da;
- Hạ đường huyết;
- Ngộ độc dẫn đến ói mửa.
Và một số triệu chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Trong suốt quá trình sử dụng nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào gây bất lợi về mặt sức khỏe, tốt nhất bạn nên tạm ngưng việc sử dụng thuốc và chỉ được phép trở lại sử dụng khi cơ thể đã dần ổn định.
Tương tác thuốc
Dược liệu mật nhân có thể tương tác với một số loại thuốc đặc trị. Để đảm bảo việc sử dụng thuốc được an toàn, tốt hơn bạn nên báo cho bác sĩ của bạn được biết tất cả sản phẩm bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng.
Trên đây là những thông tin về dược liệu cây mật nhân và một số lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của giới y học cổ truyền. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng các bài thuốc từ cây mật nhân khi chưa biết rõ bệnh lý đang mắc phải.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: