Bạn có biết, thời tiết nắng dữ vào mùa hè còn được gọi là “lưu hỏa”, lấy từ tên của một loại cây có hoa đỏ rực như lửa. Đặc biệt, trái của nó có nhiều hạt hình khối, đa giác, màu đỏ nên nhà sinh nhiều con trai thì gọi là “lưu tử”.
Vâng, đó là cây lựu (thạch lựu, tức lựu đá) mà nguyên âm của nó vốn là “lưu” (橊). Trong văn hóa dân gian cũng như văn học bác học, lựu là biểu tượng của mùa hè:
“Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông” (1)
Đặc điểm
Lựu (tên khoa học: Punica granatum, họ Lythraceae) (1), còn được gọi là: thạch lựu, tháp lựu, thừu lựu, an thạch lựu, toan thạch lựu, bạch lựu, lựu chùa tháp, thiên tương… với loại thường thấy nhất là lựu đỏ (hoa màu đỏ, quả khi chín màu đỏ hồng), ngoài ra còn có lựu trắng, còn gọi là lựu bạch (ngọn lá non màu trắng, hoa trắng, quả khi chín màu trắng vàng).
Lựu thuộc dạng thân gỗ, cây nhỏ, cành mềm, có gai. Lá lựu nhỏ, dài, hoa có hình dạng như cái loa với 5 hoặc 6 cánh, cuống hoa ngắn. Quả lựu tròn, to, chia thành các khoan chứa rất nhiều hạt bên trong. Lớp áo hạt ăn giòn, chua ngọt. Các bộ phận của cây lựu đều có thể dùng làm thuốc nhưng phổ biến là quả và vỏ quả.
Công dụng làm thuốc của cây lựu
Hoa lựu: Nước sắc hoa lựu được dùng để điều trị thổ huyết. Ngoài ra, hoa lựu còn được dùng trong trường hợp vết thương ra máu bằng cách phơi khô, tán bột rồi dùng để đắp ngoài da (3).
Quả lựu (phần ăn được, tức áo hạt):
- Theo Đông y, lựu có vị ngọt, hơi chua nhẹ, tính ấm. Phần ăn được của hạt lựu chứa nhiều loại vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B9 và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như Can xi, Sắt, Ma giê, Phốt pho, Ka li, Kẽm. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong lựu khá cao: 6,1 mg/ 100 g áo hạt (2).
- Kết quả nghiên cứu cho thấy uống nước ép lựu liên tục trong hai tuần, mỗi ngày khoảng 50 đến 60 ml làm giảm quá trình o xy hóa đến 40 %, đồng thời cũng làm giảm lượng cholesterol lắng đọng trong cơ thể. Đáng chú ý, hiệu quả này vẫn kéo dài thêm 1 tháng sau khi ngừng sử dụng lựu. Bên cạnh đó, kết quả điều tra lâm sàng cũng cho thấy nước ép quả lựu chống lão hóa và chống bệnh tim mạch rất tốt (3).
Vỏ lựu: Vỏ lựu vị chua và chát, tính ấm, có tác dụng cầm máu, điều trị lỵ, tiêu chảy (sắc uống khoảng 3 – 6g mỗi ngày). Bên cạnh đó, vỏ lựu còn điều trị khí hư, lòi dom bằng cách giã nát, đắp ngoài hoặc giã nát, ép lấy nước để thụt rửa ngoài (3).
Vỏ rễ cây lựu: Vỏ rễ cây lựu có vị đắng và chát, tính ấm, có tác dụng ức chế trực khuẩn gây ra bệnh lỵ, thương hàn. Nước sắc vỏ rễ có tác dụng sát trùng, trừ giun sán. Đối với trường hợp bị sâu răng, có thể dùng nước sắc vỏ rễ để ngậm (3).
Một số nghiên cứu về cây lựu
- Theo Ấn phẩm của Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ (ACS Publications), kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất metanol từ bột vỏ lựu có hoạt tính chống o xy hóa và bảo vệ gan (4).
- Theo Tạp chí Dân tộc học (Journal of Ethnopharmacology), nước ép áo hạt lựu và vỏ lựu có tác dụng chống o xy hóa mạnh, chống viêm và chống ung thư (5). Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất áo hạt lựu có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư vú ở người (6).
Lưu ý
- Ăn nhiều lựu sẽ gây nóng trong người và làm đen răng. Để tránh đen răng, cần súc miệng nhẹ sau khi ăn. Đặc biệt, trẻ em đang bị viêm phế quản không nên ăn nhiều lựu vì sẽ dễ bị ho đờm và tăng tình trạng bệnh.
- Người bị bệnh dạ dày và vừa mới bị kiết lỵ, táo bón, tiểu đường không nên ăn quả lựu.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: