Bạn có biết, cây lục bình (tên khoa học: Eichhornia crassipes solms), hay còn gọi với các tên khác như cây bèo tây, bèo Nhật Bản, phù bình… là loại cây có năng suất rất cao nhưng đồng thời cũng được liệt kê vào danh sách 10 loài cỏ dại đáng sợ trên thế giới.
Lục bình và câu chuyện tuổi thơ tôi
Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ vùng sông nước hầu như đều gắn liền với cây lục bình. Chúng tôi từng dùng các cuống lá phình to để giả làm “ổ bánh mì”, ngó lục bình gọi là “lạp xưởng” và phiến lá làm giấy gói. Khi buồn miệng, có đứa bẻ lấy đọt lục bình non và sạch để ăn, vị lạt hoặc ngọt thanh.
Rồi khi bị gai cá chốt, cá trê đâm làm đau nhức hay bị đứt tay; cũng là đọt lục bình non còn dính nhớt nhai nát, đắp vào (hoặc rễ lục bình ngắt nhỏ, làm giập nát).
Cây lục bình từ loài cây xâm hại đến những giá trị tiềm năng
Một mặt, cây lục bình là nguồn thức ăn cho người (xào, gỏi, lẩu, ăn sống…) và phổ biến là cho gia súc, gia cầm; với giá trị kinh tế thấp (“rẻ như bèo”) và hầu như chỉ được biết đến qua các công dụng như dùng làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm phân hữu cơ…; với tốc độ sinh sản cực kỳ cao.
Vì thế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem lục bình như một loài cỏ dại xâm lấn và gây hại cho đất nông nghiệp, làm tắc nghẽn giao thông đường thủy, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sản (lục bình hấp thụ nhiều nước làm trơ cạn ao, hồ…).
Thậm chí, để ngăn chặn, loại bỏ lục bình; có nơi từng phải nhập khẩu hà mã để chúng ăn lục bình (như một “thiên địch”). Ở Việt Nam, nhiều tỉnh còn phải chi gần tỷ đồng để vớt lục bình bỏ đi.
Thế nhưng, mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá lục bình có khả năng làm ức chế quá trình nảy mầm và phát triển của rễ cây mắt mèo con (mai dương) – một loài cỏ xâm lại đất nông nghiệp.
Ở Nhật, cây lục bình còn được bán với giá khá cao nhờ khả năng lọc nước và giá trị thực phẩm của nó. Ở Việt Nam, một số người cũng đã và đang tìm nguồn thu mua lục bình sạch để ăn. Ngoài ra, còn phải kể đến các hiệu thuốc đông y bán lục bình như một vị thuốc.
Ở nước ta hiện nay một số nhà hàng đã có những món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là cây bèo tây như món lục bình sào, canh riêu lục bình…
Như vậy, bên cạnh những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, các nghiên cứu về giá trị dược liệu của lục bình nếu được thực hiện sẽ là cơ hội, động lực để tận dụng nguồn sản vật dồi dào từ tự nhiên, đồng thời góp phần làm cho kho tàng thảo dược phong phú và đầy đủ hơn.
Công dụng của cây lục bình (cây bèo tây)
Nhìn chung, lục bình được biết đến với các chức năng chủ yếu là kháng khuẩn, kháng viêm, kháng nấm, chống oxi hóa.
- Lá lục bình không quá non cũng không quá già được dân gian truyền nhau với công dụng điều trị bệnh sỏi thận bằng cách nấu nước uống
- Điều trị tiêu chảy bằng cách ăn sống
- Đặc biệt là bài thuốc điều trị viêm, áp xe, ung nhọt, đau nhức đã được thực chứng qua bộ đội ta thời kháng chiến.
- Hoa lục bình chế biến thành trà giúp bình ổn huyết áp, chưng với đường phèn để điều trị bệnh ho gió, ho đàm.
- Rễ lục bình điều trị viêm phổi, đau dạ dày và rối loạn gan.
- Ngoài ra, chiết xuất từ lục bình (rễ, thân, lá) cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, làm giảm lipid máu, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ
- Nước sắc từ cây lục bình cũng giúp bổ, mát, thoát khỏi tình trạng người hốc hác, gầy yếu và bệnh bướu cổ.
Lưu ý
- Đối với những người có cơ địa nhạy cảm, không nên ăn nhiều ngọn lục bình sống (bèo tây) vì có thể gây ngứa.
- Thêm vào đó, tuy lục bình lành tính nhưng sẽ gây ra cảm giác rát (khi ăn sống) đối với những người đang bị lở môi.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: