Cây ké đầu ngựa còn có tên là Thương nhĩ, thuộc họ Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae). Dược liệu này được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc nam hay chữa đau nhức xương khớp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,….
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Thương nhĩ.
Tên khoa học: Xanthium sirumarium.
Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae).
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Ké đầu ngựa là cây thân thảo, nhỏ, chiều cao trung bình từ 50 – 120cm, thân có rãnh khía. Lá mọc so le, lá xẻ 3 thùy, thùy giữa lớn hơn 2 thùy bên cạnh. Hoa có 2 loại, loại đầu mọc ở nách lá, có khả năng cho quả. Loại thứ 2 mọc ở đầu cành, thường mọc ở các cành ngắn, chỉ sản sinh phấn hoa. Quả giả hình thoi, có móc.
Phân bố:
Mọc hoang ở nhiều địa phương của nước ta.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Quả của ké đầu ngựa được thu hái làm dược liệu.
Thu hái: Thời điểm thu hái thích hợp là vào mùa thu khi quả đã già. Nên lựa chọn thời điểm khi trời khô ráo để dễ dàng được những quả có chất lượng.
Chế biến: Loại bỏ tạp chất, cuống lá, đem quả phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 40 – 45 độ C.
Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Cây ké đầu ngựa có chứa saponin, chất béo, iod và alcaloid.
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm ho, giảm đau, ức chế miễn dịch và hưng phấn hô hấp.
+Theo y học cổ truyền:
Chữa chân tay co rút, viêm mũi, mụn nhọt, chảy nước mũi do phong hàn, đau khớp do phong thấp.
6. Tính vị
Vị đắng, cay, tính ấm.
7. Qui kinh
Qui vào Phế.
8. Liều dùng, cách dùng
Dùng từ 10 – 16g/ ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc hoặc dạng cao lỏng.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc từ dược liệu ké đầu ngựa:
- Bài thuốc chữa đau khớp, sưng khớp, bệnh phong thấp: Dùng ké đầu ngựa 8g đem sắc uống. Có thể dùng bài thuốc này để chữa chứng đau đầu do cảm lạnh.
- Bài thuốc chữa viêm khớp, thấp khớp: Dùng ké đầu ngựa 10g, lá lốt 10g, ngưu tất 10g, vòi voi 20g đem tán vụn. Mỗi lần dùng một lượng vừa đủ đem hãm với nước sôi. Chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc chữa viêm đa khớp tiến triển: Dùng ké đầu ngựa 12g, hy thiêm 16g, cành dâu 12g, cà gai leo 12g, ngưu tất 16g, thổ phục linh 12g, tỳ giải 12g, lá lốt 10g đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc chữa viêm mũi, viêm xoang mũi: Dùng ké đầu ngựa 8g, bạch chỉ 12g, bạc hà 4g, tân di 8g đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa viêm xoang, đau nhức đầu do tắc mũi, ngạt mũi: Dùng ké đầu ngựa 20g, hoàng kỳ 30g, tế tân 4g, bạch chỉ 6g, kinh giới 10g, gạo tẻ 60g và một ít đường. Đem dược liệu sắc lấy nước, sau đó cho gạo tẻ vào nấu cháo, cho thêm ít đường. Ngày dùng 1 lần, ăn trong 7 – 10 ngày.
- Bài thuốc trị đờm đặc vàng, đau đầu, đau vùng cánh mũi, niêm mạc sưng phù nề: Dùng ké đầu ngựa 12g, bạch hà 6g, chi tử 20g, tân di 12g đem tán vụn và pha hãm với nước chè. Mỗi ngày dùng 1 ấm, duy trì bài thuốc từ 7 – 20 ngày.
- Bài thuốc trị phát ban, sởi, mụn lở loét: Dùng địa phu tử, ké đầu ngựa mỗi vị 8g đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa mụn, ngứa ngáy ngoài da và các chứng bệnh ngứa nổi ban: Dùng ké đầu ngựa, sài hồ, kim ngân, bồ công anh mỗi vị 10g với cam thảo nam 6g, kinh giới 12g, bạc hà 8g đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa đau khớp và đau dây thần kinh: Dùng ké đầu ngựa phối hợp với xuyên khung và uy linh tiên.
- Bài thuốc chữa dị ứng: Dùng ké đầu ngựa kết hợp với bạch chỉ, bạc hà và tân di.
- Bài thuốc chữa mụn nhọt: Dùng từ 6 – 12g thương nhĩ tử đem sắc uống.
- Bài thuốc ngừa bướu cổ do thiếu iod: Dùng thương nhĩ tử đem đập dập và hãm với nước, uống hằng ngày.
- Bài thuốc trị nước mũi có màu vàng đặc, đầu choáng váng, trán đau kịch liệt: Dùng ké đầu ngựa 8g, kim ngân hoa 10g, thạch cao sống 20g, tân di 15g, bạc hà 1.5g, bạch chỉ 30g, cúc hoa 8g đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng: Dùng một lượng ké đầu ngựa, đem sao đến khi có màu xám, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 3g, ngày uống 3 lần, liên tục trong 2 tuần. Nếu bệnh chưa hết, nên dừng vài ngày và thực hiện liệu trình tương tự.
10. Lưu ý
Một số điều kiêng kỵ khi dùng dược liệu ké đầu ngựa:
- Không dùng dược liệu đã mọc mầm, ẩm mốc.
- Nhức đầu do huyết hư: Không dùng.
- Tác dụng phụ có thể gặp phải: Mệt mỏi, đau đầu nhẹ, ỉa chảy.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: