Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không lạ gì câu ca dao về cây chanh như sau:
“Con gà cục tát lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…”
Những câu trên đã được xem như cẩm nang ẩm thực của người Việt Nam. Vì lá chanh có chứa tinh dầu nên khi thái mỏng để ăn với thịt gà, nó sẽ giúp khử mùi tanh, chống nhiễm khuẩn và tạo cho món ăn mùi thơm dễ chịu.
Bên cạnh đó, vì chứa tinh dầu nên lá chanh còn được dùng trong các công thức “xông hơi” giải cảm. Trên thực tế, tinh dầu chanh đã được sử dụng từ lâu với nhiều công dụng đáng chú ý và theo Tạp chí đổi mới dược phẩm (The Pharma Innovation Journal), tinh dầu chanh còn có tác dụng ức chế ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt và đặc biệt là khả năng ức chế đến 78% tế bào ung thư ruột kết ở người. (1)
Theo kinh nghiệm dân gian thì toàn bộ các bộ phận của cây tranh từ lá chanh, quả chanh, vỏ quả, rễ chanh đều là những vị thuốc rất hay.
Công dụng của lá, vỏ và rễ cây chanh
Lá chanh có thể làm giảm buồn nôn và giúp hồi sức cho người vừa ngất xỉu (ép gần lỗ mũi để hít), điều trị đau đầu (nghiền một ít lá rồi đắp lên trán), đau bụng (giã nát lá rồi sắc lấy nước uống), hạ sốt (giã nát, nấu rồi pha loãng để tắm). Với vỏ cây chanh, nước sắc của nó được dùng trong trường hợp đầy hơi, khó tiêu.
Nước sắc từ rễ cây chanh có thể điều trị một số loại bệnh như kiết lị, tiêu chảy, đau bụng, lậu và sốt. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy chiết xuất từ rễ cây chanh kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây viêm nhiễm như: Staphylococcus aureus (gây chốc lở, áp xe, ngộ độc thực phẩm, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết…); Klebsiella pneumoniae (gây ra các bệnh về đường hô hấp); Proteus Mirabilis (gây nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm màng não…); Pseudomonas aeruginosa (gây viêm nhiễm và nhiễm trùng huyết), Escherichia coli (gây bệnh đường ruột) và Neisseria gonorrhoeae (gây bệnh lậu) (1).
Công dụng của hoa, vỏ quả và nước ép quả chanh
- Người ta dùng hoa chanh để điều trị mất ngủ bằng cách sắc lấy nước uống. Đối với vỏ quả chanh, các xơ mềm của nó được dùng trong làm đẹp bằng cách chà nhẹ lên mặt để ngăn ngừa mụn nhọt. Bên cạnh đó, chiết xuất thu được qua chưng cất hơi nước vỏ quả chanh cũng được dùng để điều trị cảm lạnh, đau họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm khớp, béo phì, mụn trứng cá… (1).
- Nước ép quả chanh được biết đến với hàng chục công dụng: từ sử dụng để làm đẹp bên ngoài đến điều trị bệnh từ bên trong, từ cách dùng trực tiếp cho đến chưng cất, ly trích… Chẳng hạn, chiết xuất nước ép quả chanh kết hợp với rượu vodka giúp làm sạch và tươi trẻ da mặt, phù hợp với da bị mụn đầu đen hoặc có lỗ chân lông to (2).
- Kinh nghiệm dân gia dùng quả chanh để điều trị ho: Quả chanh để cả vỏ ngâm đường hoặc mật ong, sau khoảng 2 tháng sử dụng siro mật ong chanh có tác dụng giảm ho rất hay.
Vì sao chanh giúp tóc bóng khỏe?
Chanh được biết đến như một chất làm se, do đó, chiết xuất từ quả chanh giúp các nang tóc nằm thẳng và khi có ánh sáng chiếu vào, tóc sẽ phản chiếu ánh sáng nhiều hơn và trông sáng bóng hơn (3). Ngoài ra, các vitamin có trong quả chanh cũng giúp tóc khỏe mượt hơn .
Quả chanh và những câu chuyện hàng ngày
- Thật khó quên được cái cảnh mỗi khi tôi bị bệnh và thấy “lạt miệng”, mẹ tôi lại thái mấy lát chanh mỏng rồi chấm với một tí muối, một tí đường (chỉ nhìn thấy thôi là miệng đã tiết nước bọt) rồi dùng nó rơ qua rơ lại trên lưỡi của tôi. Bà bảo làm như thế giúp sạch lưỡi, sạch đẹn và để thèm ăn trở lại.
- Một công dụng quen thuộc của quả chanh nữa là “giã” rượu. Mỗi lần cha tôi uống say, ông lại nhờ tôi pha cho một ly chanh nóng để “giã rượu” và cứ nhiều lần như thế. Bây giờ, hễ thấy cha tôi uống rượu là tôi biết phải đi tìm một trái chanh!
Lưu ý
- Theo Tạp chí đổi mới dược phẩm (The Pharma Innovation Journal), nước ép quả chanh có thể phá thai và làm giảm khả năng sinh sản trên chuột thí nghiệm.
- Tinh dầu chanh có chứa một số chất hữu cơ thơm (coumarin) có thể gây ra hiện tượng quang độc tính ở người (gây sạm da, đỏ da hoặc hình thành vết chàm khi da tiếp xúc với ánh nắng) (4). Ở chuột thí nghiệm, nó làm hình thành khối u trên da và trước biểu mô dạ dày và gây độc với liều lượng chiết xuất trên 3,5g/ kg cơ thể chuột (1) .
- Tuy quả chanh có nhiều công dụng nhưng cũng không nên lạm dụng mà sử dụng quá nhiều, đặc biệt không dùng quả chanh vào lúc đói nhất là người bị đau dạ dày thì không nên ăn chanh. Bởi lượng axit có trong quả chanh có thể khiến bệnh viêm dạ dày càng trở nên trầm trọng hơn.
- Hiện nay chúng ta có nhiều giống chanh, nhưng chủ yếu là 2 giống chính đó là chanh trắng (bản địa) và chanh đào. Chanh đào được ưa chuộng cách đây khoảng 5 năm, nhưng ngày nay loại chanh này không còn được ưa thích như trước. Theo kinh nghiệm dân gian 2 loại chanh này đều có chung 1 công dụng, nhưng chỉ có chanh trắng là có thể giữ quả trên cây được lâu (Có thể để qua tết, chanh đào thì lụi rất nhanh).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: