Có một loài hoa xuất phát từ Châu Mỹ, phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới rồi trở thành quốc hoa của Lào và Nicaragua. Ở Việt Nam, nó cũng được trồng từ rất sớm trong các cung điện, lăng tẩm triều Nguyễn. Loài hoa ấy cũng đã đi vào âm nhạc, thơ ca đó là cây hoa đại:
“Thơm ngát mùa sen trắng cổ thành
Về thăm xứ Huế chỉ mình anh
Lăng vua hoa đại rơi đầy lối
Chen bóng cành hoa, chỉ bóng mình”
(Về thăm xứ Huế – Chế Lan Viên)
Loài hoa này còn có các tên gọi khác như hoa sứ, sứ cùi, sứ đại, hoa chăm pa (quốc hoa của Lào)…
Đặc điểm của hoa đại
Cây đại thuộc họ Trúc đào, thân gỗ, vỏ xù xì, cây nhiều nhựa trắng và có nhiều màu hoa khác nhau (trắng, hồng, đỏ). Hoa đại thường có 5 cánh, trong đó, hoa trắng tâm vàng là loại được dùng trong y học.
Ở nước ta, cây đại hay bị nhầm lẫn với hoa sữa hay hoa ngọc lan bởi màu trắng, hương thơm đậm và quyến rũ. Các bộ phận của cây được dùng phổ biến trong làm thuốc là hoa, kế đến là lá, vỏ cây, nhựa và rễ.
Công dụng của hoa đại là gì ?
Hoa đại có mùi thơm nhẹ, tính bình, có chứa tinh dầu và dùng tươi hay khô đều được (nhưng dùng khô sẽ tốt hơn). Nước sắc hoa đại được uống như trà với công dụng:
- Trừ ho, tiêu đờm
- Thanh nhiệt
- Hạ sốt
- Chống viêm
- Giảm đau
- Giảm say nắng…,
- Điều trị tiểu đường
- Hạ huyết áp mà không làm giãn mạch máu.
Đối với các ung nhọt hay vết loét, hoa đại được đem hơ qua lửa cho héo rồi giã nát, sau đó trộn với dầu oliu và đắp lên vùng da bị tổn thương.
Cách dùng hoa đại
Liều dùng: 15g – 20g khô/ngày. Cách dùng hoa đại rất đơn giản, bằng cách pha hãm với nước sôi để dùng hàng ngày.
Công dụng của lá cây đại
Trước tiên cần phải kể đến là lá cây đại trắng được dùng để điều trị hen suyễn khá hiệu quả. Theo đó, người ta chiết xuất dược chất từ lá hoặc bằng dùng lá làm thành thuốc lá để hít (lá thái mỏng, phơi khô, quấn điếu rồi đốt và hít).
Bên cạnh đó, lá cây đại còn được giã nát, nấu thành cao để đắp vào chỗ trầy da, chảy máu. Nếu bị bong gân, có thể dùng lá đại giã nát rồi cho thêm chút muối vào để đắp lên. Sau đó, tiếp tục lấy lá đại hơ lửa rồi giã nát để đắp thêm một lớp bên ngoài nữa thì bệnh sẽ chóng lành.
Công dụng của vỏ cây đại
Vỏ cây đại có vị đắng, tính mát, hơi có độc. Khi dùng, người ra tách từng mảnh vỏ và cạo bỏ lớp xừ rồi thái mỏng, phơi khô, sau đó sao lên cho có mùi thơm và sắc uống. Vỏ cây đại trắng có tác dụng:
- Tiêu viêm
- Nhuận tràng
- Xổ giun
- Điều trị bệnh lậu, hoa liễu
- Điều trị tiêu chảy và thủy thũng…
Ngoài ra, dùng vỏ cây đại nấu lên để lấy nước tắm và xoa chỗ da bị ghẻ cóc cũng sẽ giúp bệnh giảm dần. Bên cạnh đó, chiết xuất vỏ cây đại còn được dùng làm thuốc mỡ điều trị nấm với tỉ lệ chữa khỏi là 75% (theo trang stuartxchange.org).
Công dụng của nhựa cây đại
Nhựa cây đại có màu trắng, có độc nhưng thoa lên da sẽ giúp tiêu viêm, sát trùng, trị ghẻ lở, viêm tấy… Ở quê tôi, những người lớn tuổi thường nhắc con cháu dùng nhựa cây đại tra vào vết ong đốt, đợi khi nhựa khô thì gỡ ra. Bằng cách này có thể kéo lấy phần kim của ong (còn sót lại) trong da ra ngoài và giảm đau nhức, sưng tấy ở vùng da bị đốt.
Đối với tình trạng đau răng, dùng tăm bông tẩm nhựa cây đại rồi để vào chỗ răng đau (ngậm rồi nhổ bỏ) thì cơn đau sẽ giảm ngay (dù không triệt để điều trị đau răng).
Nhựa cây đại dùng điều trị chai chân (chai gót chân) bằng cách dùng nhựa cây đại bôi vào gót chân.
Công dụng của rễ cây đại
Rễ cây đại trắng hơi có độc, vị đắng, tính mát. Đối với tình trạng chân răng sưng đau, chỉ cần dùng rễ cây đại ngâm rượu rồi ngậm thì cơn đau sẽ giảm (tuyệt đối không được nuốt).
Lưu ý: Cây đại có độc tính
- Nhựa cây đại có độc nên tuyệt đối không được nuốt.
- Vỏ và rễ cây đại cũng hơi độc nên khi dùng phải chú ý liều lượng.
- Riêng phụ nữ có thai không nên dùng vì vỏ rễ cây đại vốn được dùng làm thuốc phá thai
Gửi câu hỏi cần giải đáp: