Cây đương quy có tác dụng hay đa dạng nên được y học cổ truyền ứng dụng vào nhiều bài thuốc khác nhau, như bài thuốc trị rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau nhức xương khớp, viêm tuyến tiền liệt,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Nhân sâm dành cho nữ giới, Xuyên quy, Vân quy, Tần quy,…
Tên thực vật: Angelica sinensis (oliv) Diels.
Tên khoa học: Radix Angelicae Sinensis.
Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae).
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Đương quy là cây thân thảo lớn, có nguồn gốc từ Trung Quốc, sống nhiều năm, có chiều cao trung bình từ 40 – 80cm. Thân hình trụ, có rãnh chạy dọc thân. Lá kép, hình lông chim, cuống lá dài, bẹ lá ôm lấy thân. Mép lá chia thùy, răng cưa không đều nhau. Hoa màu trắng xanh, hoa mọc thành chùm, ở ngọn cây. Nhị hoa dài, đầu tròn. Quả bế có màu tím nhạt, cây có mùi thơm đặc trưng.
Phân bố:
Đương quy xuất phát từ Trung Quốc, thường mọc ở các vùng núi cao từ 2000 – 3000m, không khí ẩm mát. Hiện nay thảo dược này được di thực và trồng nhiều ở các địa phương (Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Đà Lạt, Tây Nguyên,…).
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ cây đương quy được sử dụng để làm dược liệu.
Thu hái: Đào rễ vào mùa thu. Chỉ thu hoạch ở cây từ 3 năm tuổi trở lên.
Chế biến: Cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ. Loại bỏ đất cát, loại bỏ tạp chất. Sau đó đem phơi hoặc sao khô. Đương quy được chế biến với 3 cách sau:
- Quy đầu: Lấy một phần phía đầu.
- Quy thân: Chỉ lấy thân, bỏ đầu và đuôi.
- Quy vĩ: Chỉ lấy phần rễ nhánh.
Bảo quản: Nơi thoáng mát (độ ẩm không quá 15%).
4. Thành phần hóa học
Dược liệu này có chứa 0.02% tinh dầu, vitamin B12, glucose, carotene, n-valerophenone-o-carboxylic acid, butylidene phthalide,….
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng đối với tử cung: Cồn chiết xuất từ đương quy có tác dụng hưng phấn đối với tử cung cô lập. Còn tinh dầu đương quy có tác dụng ức chế tử cung. Nếu sử dụng lúc áp lực tử cung cao thì nhận thấy thuốc làm tăng hoạt động co bóp của cơ quan này. Ngoài ra, đương quy còn có khả năng tổng hợp protid khiến tử cung dày lên.
- Tác dụng đối với huyết học: Dịch ngâm từ đương quy làm tăng hồng cầu và huyết sắc tố đối với chuột nhắt. Tác dụng này được cho là có mối quan hệ mật thiết với hàm lượng acid folic và vitamin B12 có trong dược liệu.
- Tác dụng chống viêm: Nước từ dịch chiết làm giảm tính thẩm thấu của huyết quản nhằm ức chế các chất gây viêm do tiểu cầu 5TH sản sinh.
- Tác dụng giảm đau, an thần: Tinh dầu đương quy có khả năng giảm đau và an thần.
- Tác dụng tăng miễn dịch: Đương quy có khả năng cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể. Dược liệu này làm tăng khả năng thực bào của đại thực bào, tăng cường chuyển dạng lympho bào. Tuy nhiên một số nghiên cứu lại cho thấy đương quy có khả năng ức chế miễn dịch.
- Tác dụng lợi tiểu: Đường mía trong đương quy có khả năng tăng hưng phấn đối với bàng quang và cơ trơn ruột non.
- Làm giãn động mạch vành nhằm tăng lưu lượng máu, giảm tiêu hao lượng oxy của cơ tim, chống hình thành cục máu đông nhờ vào hoạt động giảm ngưng tập tiểu cầu, hạ lipit huyết và giảm rối loạn nhịp tim. Tinh dầu có khả năng tăng huyết áp, tuy nhiên các chất hòa tan trong nước lại có tác dụng hạ huyết áp.
- Phòng ngừa glycopen trong gan giảm thấp, đồng thời giúp bảo vệ cơ quan này.
- Làm giãn cơ trơn phế quản và làm giảm cơn hen suyễn.
- Tác dụng nhuận tràng, thông tiện.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc có khả năng ức chế trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, liên cầu khuẩn tán huyết, trực khuẩn phó thương hàn, trực khuẩn coli, lỵ, trực khuẩn bạch hầu. Tinh dầu có tác dụng ức chế trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ Flexner,…
+Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng: Tác dụng bổ huyết hoạt huyết, điều huyết thông kinh, nhuận táo hoạt trường.
- Chủ trị: Chủ trị chứng kinh nguyệt không đều, tắc kinh, đau kinh, các bệnh thai tiền sản hậu, tâm can huyết hư, đau tê chân tây, tổn thương do té ngã, chứng huyết hư trường táo kiêm trị khái suyễn, nhọt lở loét.
6. Tính vị
Tính ngọt, cay và tính ấm.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Can, Tâm, Tỳ.
8. Liều dùng, cách dùng
Nên dùng từ 5 – 15g. Có thể dùng đương quy sắc, tán bột, làm tinh dầu, làm hoàn,…
9. Bài thuốc
Một số ứng dụng của dược liệu đương quy:
- Bài thuốc trị các hội chứng thiếu máu: Dùng xuyên quy 12 – 16g, thục địa hoàng 12 – 24g, bạch thược 12 – 16g, xuyên khung 6 – 8g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị kinh nguyệt ít: Dùng đương quy, diên hồ sách, ích mẫu thảo và hương phụ, mỗi thứ bằng lượng nhau, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị chảy máu tử cung: Dùng xuyên quy kết hợp với ngải diệp, sinh địa hoàng và a giao, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị thiếu máu dẫn đến chóng mặt, hoa mắt, người gầy yếu, da dẻ xanh xao: Dùng xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, mỗi thứ 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống trong 3 – 4 tuần hoặc uống đến khi triệu chứng dứt điểm hẳn.
- Bài thuốc trị đau bụng kinh, chứng bế kinh: Dùng xuyên quy, ngưu tất, xuyên khung, sinh địa, hồng hoa, mỗi thứ 6g, cam thảo, sài hồ, mỗi thứ 4g, chỉ xác 8g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến cơ thể gầy yếu, kém ngủ, kém ăn, khí huyết đều kém: Dùng viễn chí, đương quy, cam thảo mỗi thứ 4g, hoàng kỳ, hắc táo nhân, bạch truật, bạch linh mỗi thứ 12g, mộc hương, đảng sâm mỗi thứ 6g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang. Có thể thêm dược liệu này vào các món ăn hằng ngày để cải thiện tình trạng.
- Bài thuốc trị sốt rét: Dùng đương quy, miết giáp mỗi thứ 12g, quất bì 6g, ngưu tất 10g, sinh khương 3 lát, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị tâm huyết hư, không ngủ được: Dùng đương quy 12g, viễn chí 10g, nhân sâm 10g, toan táo nhân 8g, phục thần 10g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị bại liệt tứ chi và đau cột sống: Dùng đương quy 40g, tục đoạn, độc hoạt, đỗ trọng, chỉ xác, mỗi thứ 12g, tế tân 4g, lưu ký nô 8g, cam thảo 4g đem sắc với 300ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống, sáng – tối.
- Bài thuốc trị bệnh động mạch vành: Dùng đương quy 10g, ngó sen 15g, sơn tra 90g, rễ hành 6g đem nấu thành canh. Uống 2 lần ngày, sáng – tối.
- Bài thuốc trị viêm tuyến tiền liệt: Dùng xuyên quy, hạt quýt, hạt vải, mỗi thứ 15g, thịt dê 50g đem nấu nhừ. Ăn hết thịt và nước. Tuần ăn 2 lần. Hoặc dùng xuyên quy 8g, lá hành 25g và trạch lan 5g sắc nước uống hằng ngày.
- Bài thuốc chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau ở rốn: Dùng xuyên quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g đem sắc với 600ml nước, còn lại 200ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc trị vấp ngã gây đau: Dùng đương quy, đỗ trọng mỗi thứ 12g, ngưu tất, tục đoạn, địa hoàng mỗi thứ 10g, vảy sừng hươu 2g, 1 thìa cà phê bột quế, đem sắc. Uống khi thuốc còn nóng.
- Bài thuốc trị ra mồ hôi trộm: Dùng hoàng kỳ 10g, thục địa, sinh địa, mỗi thứ 8g, hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, mỗi thứ 6g, đương quy 12g đem sắc uống.
- Bài thuốc chữa các chứng tê, đau: Dùng quế chi 8g, cúc hoa 6g, ngưu tất 10g, đương quy 12g, thương thuật 10g đem sắc. Chia thành 2 lần uống, sáng – tối.
- Bài thuốc trị các chứng xuất huyết: Dùng bồ hoàng, xuyên quy, hòe hoa, a giao, đại hoàng mỗi thứ 30g. Đem tất cả tán bột và sao, thêm mật ong làm hoàn. Mỗi lần dùng 10g, mỗi ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc trị người mệt mỏi, da xanh xao, gầy còm, vô lực, khí và huyết đều kém: Dùng hoàng kỳ 40g, đương quy 12g sắc uống mỗi ngày 1 thang. Uống liền trong 3 – 4 tuần. Hoặc dùng nhân sâm, đương quy, bạch truật, bạch linh, thục địa, bạch thược mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g đem sắc uống mỗi ngày 1 thang. Dùng liền trong 3 – 4 tuần.
- Bài thuốc trị đau do ứ máu: Đau do chấn thương ngoài, dùng đương quy với táo nhân, nhũ hương, hồng hoa, một dược. Đay bụng sau khi đẻ, dùng đương quy với táo nhân, xuyên khung và ích mẫu thảo. Đau khớp, dùng đương quy với bạch thược, quế chi và kích huyết đằng. Đau do nhọt và hật bối, dùng đương quy với kim ngân hoa, liên kiều, mẫu đơn bì và xích thược.
- Bài thuốc trị vô kinh: Dùng đương quy phối hợp với hồng hoa và đào nhân.
- Bài thuốc trị loạn kinh nguyệt: Dùng sinh địa hoàng, đương quy, bạch thược và xuyên khung.
10. Lưu ý
Cần lưu ý một số điều khi sử dụng dược liệu đương quy:
- Không dùng cho các trường hợp ỉa chảy, phân lỏng.
- Đầu rễ có tác dụng bổ máu nhất, phần cuối rễ có khả năng hoạt huyết mạnh. Phần thân giữa vừa có tác dụng bổ máu và hoạt huyết. Cần chú ý khi sử dụng để đạt được hiệu quả như mong muốn.
- Có thể dùng phối hợp với rượu để tăng tác dụng bổ máu.
- Một số bài thuốc chưa được xác thực về tính hiệu quả. Cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng.
- Các tác dụng phụ có thể gặp phải: Chán ăn, kích ứng da, rối loạn cương dương, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, huyết áp thấp,…
- Dùng dược liệu này với thuốc chống đông máu có thể gây chảy máu kéo dài do tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu.
- Đương quy có khả năng gây sảy thai, do đó không nên dùng cho phụ nữ mang thai.
- Không dùng cho bệnh nhân bị viêm loét đường tiêu hóa, tiểu đường và rối loạn máu.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: