Cây điền thất có nhiều tên gọi như cây cốt khí, hổ trượng căn, han trượng căn… Là loại cây nhỏ, sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao từ 1 – 2m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm tím hồng. Lá mọc so le, có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn. Cuống dài 1 – 3cm. Bè chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng. Hoa đực có 8 nhị. Hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm. Quả khô có 3 cạnh màu nâu đỏ.
Cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi Sa Pa (Lào Cai), được trồng bằng củ và rất dễ mọc. Mùa thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 8 – 9 hoặc tháng 2 – 3. Bộ phận dùng làm thuốc là củ, rễ. Khi thu hái đào lấy củ, cắt bỏ rễ con để riêng, rửa sạch đất, cắt thành từng mẩu ngắn hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Ngoài tác dụng làm thuốc hiện nay nhiều nơi trồng để làm cây che phủ đất, chống xói mòn vùng miền núi, trồng xen phụ trợ cho nhiều loại cây trồng khác trong nông lâm nghiệp rất có hiệu quả được nhiều dự án trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ phát triển.
Bài thuốc nam hay thường dùng
Chữa đau nhức gân xương khớp, đau gối khi thời tiết thay đổi: Rễ điền thất 20g, rễ tầm soọng 20g, rễ cỏ xước 20g, lá lốt 20g, cam thảo dây 20g, dây đau xương 20g. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 tuần.
Hoặc rễ điền thất 12g, rễ gối hạc 12g, mộc thông 20g, lá bìm bìm 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Hỗ trợ điều trị viêm gan A cấp tính: Rễ điền thất 15g, chút chít 15g, lá móng 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 4 tuần.
Trị táo bón: Củ điền thất 30g. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Chữa vết thương bầm tím do ngã: Củ điền thất 20g, lá móng 30g, sắc với 300ml nước còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày, mỗi lần uống hòa thêm 20ml rượu.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: