Keo rượu chuối chân quê
Sỡ dĩ cha tôi trồng nhiều chuối hột như thế là để lấy trái chín làm rượu chuối hột vì ông rất thích uống loại rượu này. Ông nói: rượu chuối hột uống vừa thơm ngon lại trị được đau nhức, một công đôi việc!.
Để làm rượu, cha tôi chọn trái chuối hột chín, đem ép mỏng, để lên vỉ làm bằng lá dừa rồi phơi 3 – 4 nắng cho khô. Chuối khô, cha tôi đem nướng lên rồi bỏ vào bình ngâm với rượu gốc.
Mỗi khi uống, ông múc ra một ít, pha lại cùng với rượu gạo hoặc rượu nếp trắng. Món rượu này ông dành đãi khách, thường làm quà tặng cho khách mang về và mọi người rất thích.
Chuối hột và món gỏi dân dã
Còn với mẹ tôi, thân chuối và bắp chuối hột lại trở thành món ăn ngon lành, bổ dưỡng. Mẹ tôi nói, thân và bắp chuối hột làm món ăn là ngon nhất trong các loại chuối vì nó mềm và ngọt.
Bà thường làm món gỏi hay nấu canh chua trong bữa ăn hằng ngày hoặc khi có khách đến. Những món này rất ngon và còn đúng tiêu chí của mẹ tôi là ngon, bổ mà không tốn tiền !
Chuối hột điều trị sỏi thận
Chưa hết, ấn tượng khó quên của tôi là việc cô tôi lấy nước từ thân chuối hột uống để điều trị sỏi thận. Cô thường đến nhà tôi vào buổi sáng với một cái chai và một cái ống hút để lấy nước từ những cây chuối vừa chặt hôm qua.
Lúc nhỏ, tôi thấy việc như thế là khó hiểu nên luôn đi theo mỗi khi cô tôi đến và hỏi đi hỏi lại tại sao cô uống nước đó.
Cô nói, đây là thuốc trị sỏi thận của cô, do một người sử dụng đã hết bệnh chỉ cho. Cô nói thêm, để điều trị bệnh này thì phải dùng cây chuối hột mới tốt, cộng thêm nó có nhiều nước, nước ngọt hơn những loại chuối khác nên dễ uống. Nhà cô cũng có trồng chuối hột nhưng khi lấy nước lại không nhiều nước bằng những cây ở nhà tôi (cha tôi nói cũng tùy vào nơi trồng, đất ít nước hay nhiều nước mà nước chuối tiết ra nhiều hay ít).
Cách lấy nước từ thân chuối hột để điều trị sỏi thận
Vào buổi chiều, cô tôi ra vườn, chọn một cây chuối hột to chưa trổ buồng. Cô chặt ngang nửa cây chuối, sau đó dùng dao nhỏ khoét bỏ lõi của cây chuối một đoạn khoảng 10 cm (chừa lại phần bẹ ngoài), sau đó cho vào cái lỗ ấy một ít đường phèn (cô nói bài thuốc này phải có đường phèn vì đường phèn có tính mát và có nó thì nước chuối sẽ ngon ngọt dễ uống hơn).
Sau đó, cô tôi dùng bọc nilon bịt kín phần đầu chuối lại để tránh côn trùng và bụi bẩn rơi vào, sau đó đợi một đêm. Vào buổi sáng hôm sau, khi cô tôi đến và mở phần bọc ra thì trong cái lỗ chuối đã khoét hôm qua đã có đầy nước tiết ra từ thân chuối (phần trên nước có một lớp váng mủ, khi gạn bỏ phần ấy, tôi thấy phần nước có màu hơi đục).
Sau đó, cô tôi dùng một cái ca nhỏ múc nước ấy ra chai, khi không múc được nữa thì cô cho ống hút vào và hút uống phần nước còn lại. Cô có cho tôi thử thứ nước ấy, nó mát, vị ngòn ngọt như nước dừa, có chút mùi của mủ chuối.
Vào buổi chiều hôm đó, cô tôi chặt ngang thân cây chuối ấy (chặt xuống một đoạn nữa) và cũng khoét bỏ lõi xuống 1 đoạn khoảng 10 cm (để chuẩn bị phần nước cho ngày mai). Cách làm này là để nước luôn tươi, nếu không, phần bẹ chuối bị hư sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước chuối.
Một cây chuối có thể lấy nước liên tục trong 3 – 4 ngày và sau một ngày ta sẽ chặt xuống một đoạn để làm mới. Khi chặt đến phần gần gốc chuối hoặc cây hết tiết ra nước thì sẽ chọn cây chuối khác và làm tương tự.
Phần nước được cô tôi chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và trưa trong ngày. Sau khi uống liên tục từ 2 – 3 tháng, cô tôi đi khám lại thì những viên sỏi lớn đã nhỏ lại, những viên sỏi nhỏ đã được bài tiết ra ngoài.
Quả là bài thuốc tự nhiên có hiệu quả cao, lại rất an toàn cho sức khỏe.
Lưu ý khi dùng
- Mỗi ngày, bạn chỉ cần uống từ 100 – 150 ml nước tiết ra từ thân cây chuối hột (nếu uống nhiều sẽ gây hạ đường huyết).
- Chọn cây chuối hột mọc ở những nơi có nguồn nước sạch, không ô nhiễm để có phần nước chuối uống an toàn.
- Không uống vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.
- Bài thuốc có hiệu quả tốt nhất với những viên sỏi kích cỡ dưới 6 mm.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: