Trước đây, loại chùm ruột trái ngọt còn nhiều, chúng tôi thường hái đầy rổ để chấm muối ăn. Bây giờ, hầu như chỉ còn chùm ruột chua và cũng không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, giá trị của cây chùm ruột còn ở chỗ nó cũng là một cây thuốc với những dược tính và cả độc tính cần chú ý.
Đặc điểm
Cây chùm ruột (tên khoa học: Phyllanthus acidus, họ Phyllanthaceae) (1) còn được gọi là chùm duột, tầm duột, tầm ruộc…
Đây là cây ăn quả và cũng là cây kiểng phổ biến ở Nam Bộ với thân cao hơn 5m, cành giòn, có nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Lá tầm ruột hình lông chim với cuống dài chứa nhiều lá chét mỏng, mọc so le, gốc tròn chóp nhọn. Hoa chùm ruột nhỏ, màu đỏ, mọc thành chùm. Quả chùm ruột là quả mọng, màu vàng nhạt, có khía, thịt quả nhiều nước, giòn, có vị chua và khi chín thì chua ngọt.
Có hai loại chùm ruột là chùm ruột chua (trái vẫn chua khi chín, ngọt nhẹ) và chùm ruột ngọt (khá ngọt khi chín). Ngoài ra, còn có loài khác cũng cùng chi Diệp hạ châu với chùm ruột là chùm ruột rừng, hay còn gọi là me rừng, chùm ruột núi,… cũng là một vị thuốc quý, bạn đã biết công dụng của cây chùm ruột chưa ?
Những công dụng của cây chùm ruột
Lá: Lá chùm ruột dùng nấu nước để tắm giúp điều trị lở ngứa, mề đay và các bệnh ngoài da (2).
Quả: Quả chùm ruột có vị chua, tính mát, được dùng ăn tươi (thường chấm muối), nấu canh hoặc ép làm nước uống giúp giải nhiệt, bổ gan, bổ máu và điều trị sưng tấy, đau ở hông do tụ máu (2). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy quả chùm ruột còn có chứa chất chống o xy hóa (7).
Vỏ thân: Vỏ thân cây chùm ruột được dùng ngâm rượu để ngậm giúp giảm đau răng. Rượu này cũng có thể dùng để bôi vào các vùng da bị ghẻ, loét hoặc nhỏ vào tai bị hôi thối giúp sạch và hết mưng mủ. Cách làm: bóc lớp vỏ ở thân cây chùm ruột rồi phơi khô, tán nhỏ, sau đó đem ngâm với rượu trắng theo tỷ lệ 200 g vỏ thân/ 1 lít rượu, sau mười ngày thì có thể dùng (2).
Ngoài ra, có thể kể đến bài thuốc điều trị phong ngứa, nổi mụn như ghẻ phỏng, chảy nước tới đâu bệnh lan tới đó hoặc bị lở ngứa khắp người của người dân tỉnh An Giang. Theo đó, lấy vỏ cây chùm ruột, lá me chua, đọt ổi, đọt chuối và cây sứ cùi (cây non) với liều lượng bằng nhau rồi đem nấu lên, cho thêm vào một ít phèn chua (cỡ ngón tay cái) rồi đợi nước sôi thì nhắc xuống và để nguội. Sau đó, dùng để tắm hoặc thoa rượu vào vùng da bệnh và để khô đi tự nhiên, thực hiện như thế nhiều lần cho đến khi hết bệnh (3).
Một số nghiên cứu về lá chùm ruột
- Theo Tạp chí sinh học nhiệt đới Châu á – Thái Bình Dương (Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine), chiết xuất từ lá chùm ruột chứa các hợp chất chống oxy hóa, giảm đau và chống viêm (4).
- Theo Tạp chí dược học châu Âu (European Journal of Pharmacology), kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ lá chùm ruột có tác dụng hạ huyết áp (5).
- Theo Tạp chí y học nhiệt đới Châu Á – Thái Bình Dương (Asian Pacific Journal of Tropical Medicine), chiết xuất từ lá chùm ruột còn có khả năng bảo vệ gan trước độc tính của Paracetamol do sử dụng quá liều (6).
Lưu ý
- Rễ và vỏ rễ cây chùm ruột có độc nên không được uống. Ở Ấn Độ, vỏ rễ được dùng làm thuốc độc với các triệu chứng như nhức đầu, đau bụng dữ dội và có thể tử vong (2).
- Rượu ngâm vỏ cây chùm ruột cũng chỉ dùng ngoài da, không được uống (2).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: