Trong bài “Ngọc tỉnh liên phú” (Phú hoa sen trong giếng ngọc) rất nổi tiếng, Mạc Đĩnh Chi – người được tôn xưng là “Lưỡng quốc trạng nguyên” đời Trần (Trạng nguyên ở cả hai nước) đã có nhắc đến một loài dược thảo rất quý là câu kỷ tử:
“Phi tăng phòng chi cẩu kỷ
Phi Lạc thổ chi mẫu đan”.
Nghĩa là:
“Không phải cây cẩu kỷ bên phòng tăng nhà chùa
Cũng không phải hoa mẫu đơn đất Lạc Dương nức tiếng.”
Như vậy, khi liệt kê hai loài cây trên để so sánh với hoa sen, Mạc Đĩnh Chi cũng đã cho thấy sự trân trọng của mình đối với cây cẩu kỷ khi ông xếp một loài thảo dược ngang hàng với hoa mẫu đơn là nữ hoàng của các loài hoa. Vậy, cây cẩu kỷ hay nói cách khác là quả cẩu kỷ có công dụng gì mà lại được để tâm, ngợi ca đến vậy?
Tên gọi và đặc điểm của câu kỷ tử
Cẩu kỷ hay câu kỷ, kỷ tử, câu kỷ tử, thiên tinh, địa tiên, khước lão, khởi tử, rau khởi… là những tên gọi khác nhau của loại cây thuốc với nhiều công dụng quý giá này. Trong đó, tên gọi kỷ tử là phổ biến nhất. “Kỷ” nghĩa là cây kỷ (có 3 giống: kỷ liễu, kỷ bạch và cẩu kỷ, trong đó, chỉ có cẩu kỷ là cây thuốc). “Tử” nghĩa là hạt giống. “Kỷ tử” là hạt cây kỷ mà chúng ta thường dùng để chỉ quả kỷ tử (có hạt bên trong).
Tuy nhiên, kỷ tử cũng có hai dạng. Một loại là “câu kỷ tử”, là loại kỷ tử quả có màu đỏ mà chúng ta thường dùng, khác với “hắc kỷ tử”, là loại kỷ tử quả có màu đen, mọc hoang dã ở Tây Tạng và quý hiếm hơn. Thêm vào đó, vì sự phổ biến của kỷ tử đỏ mà ngày nay, khi nói đến kỷ tử, chúng ta vẫn hiểu là đang nói đến loại kỷ tử đỏ, quả mọng nước, có vị chua ngọt, tính bình và thanh. Cây kỷ tử là cây lâu năm, thuộc dạng cây bụi, nhiều cành.
Công dụng chính của quả kỷ tử
Dược chất trong câu kỷ tử có tác động tích cực đến rất nhiều hệ cơ quan trong cơ thể người. Có thể kể ra các công dụng chủ yếu sau đây:
– Đối với hệ thần kinh: kỷ tử tốt cho não, giúp tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giúp tinh thần tỉnh táo.
– Đối với hệ vận động: kỷ tử có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương, giúp giảm đau lưng, mỏi gối. Vì vậy, nó rất cần thiết đối với trẻ em và người lớn tuổi.
– Đối với hệ tuần hoàn: thành phần hoạt chất có trong kỷ tử giúp kiểm soát lượng đường trong máu nên phù hợp với những người bị bệnh về đường huyết.
– Đối với hệ hô hấp: kỷ tử giúp bổ phổi nên rất phù hợp với những người bị chứng khó thở hay mắc các bệnh về đường hô hấp.
– Đối với hệ nội tiết: hoạt chất trong kỷ tử giúp nâng cao hoạt động của tuyến yên, tuyến thượng thận.
– Đối với hệ sinh sản: kỷ tử giúp bổ thận và làm tăng lượng testosterone trong máu nên cũng làm tăng ham muốn ở cả nam và nữ. Do đó, nó được dùng trong nhiều bài thuốc ích tinh, bổ dương, trị sinh lý yếu (cho nam giới) cũng như các bài thuốc bổ âm, giúp da dẻ hồng hào (cho nữ giới).
Thêm vào đó, kỷ tử tốt cho gan, mật nên cũng phù hợp với những người bị gan nhiễm mỡ, nóng trong người và suy nhược cơ thể. Kỷ tử còn giúp cải thiện hệ thống miễn nhiễm, làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy kỷ tử có tác dụng chống phóng xạ, ức chế tế bào ung thư và đẩy lùi bệnh cúm.
Đặc biệt, kỷ tử còn được mệnh danh là “minh mục tử” bởi nó rất tốt cho mắt và có thể nói kỷ tử chính là loại thảo dược chuyên dành cho đôi mắt. Sử dụng kỷ tử giúp cải thiện tình trạng giảm thị lực, nhất là với những người làm việc văn phòng và những người lớn tuổi.
Riêng về phía chị em phụ nữ thì kỷ tử còn có những ưu điểm hết sức tuyệt vời. Dù là loại thuốc có tính bổ dưỡng nhưng kỷ tử lại không gây tăng căng mà ngược lại, nó còn hỗ trợ giảm cân (do chứa nhiều chất xơ và vitamin). Hơn nữa, dùng kỷ tử còn giúp các chị em có làn da tươi nhuận, hồng hào, đầy sức sống.
Từ những tác dụng trên, ta thấy rằng thật không quá đáng nếu như nói rằng, mỗi buổi sáng ăn vài hạt kỷ tử sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, sống thọ. Ăn kỷ tử trước khi ngủ còn giúp giảm hiện tượng khô miệng, khát nước vào ban đêm và có giấc ngủ ngon hơn.
Cách dùng kỷ tử
Mặc dù có thể dùng tươi (dùng quả chín) nhưng câu kỷ tử thường được phơi khô để dễ bảo quản. Trong ẩm thực, kỷ tử thường được dùng trong các món ninh, hầm. Trong đó, gà hầm kỷ tử là món khá thông dụng.
Ngoài ra, kỷ tử còn được dùng khi nấu cháo và cháo kỷ tử là món rất tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Trong y học, kỷ tử thường được dùng dưới dạng trà (trà kỷ tử), thuốc sắc, ngâm rượu hoặc bào chế dạng viên (có thể có hoặc không kết hợp cùng các vị thuốc khác).
Chúng ta có thể thấy thành phần kỷ tử trong rất nhiều bài thuốc với các công dụng chủ đạo khác nhau. Tuy nhiên, bài thuốc đơn giản, thuận tiện nhất là sắc kỷ tử với đại táo rồi lấy nước uống.
Chỉ cần từ ba đến năm quả đại táo, một muỗng canh đầy quả kỷ tử khô và nấu trong 500ml nước (khoảng 25 phút) là chúng ta đã có một bài thuốc vừa bổ dưỡng, phòng và điều trị được nhiều bệnh lại vừa nâng tầm sắc đẹp cho mình.
LƯU Ý:
Những người đang bị cảm sốt hay gặp các vấn đề về tiêu hóa (chướng bụng, dạ dày yếu, tiêu chảy…) thì không nên dùng kỷ tử.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: