Hồi nhỏ, tôi là một đứa thích ăn trái cây, nhất là những trái nho nhỏ như sắn, trứng cá, chùm mồi… và tất nhiên là có cả bùm sụm. Loại bùm sụm này, trái lúc còn sống có màu xanh ngọc trong trẻo, khi chín có màu đỏ cam hơi vàng, nhìn rất bắt mắt, hơn nữa nó lại nhỏ tròn và căng bóng nên trẻ con nhìn thấy là tò mò muốn hái ăn ngay. Khi ăn vào, trái chín sẽ mềm hơn, có vị ngọt và mang hương vị đặc trưng khó mà tả được.
Hiển nhiên, trái bùm sụm không ngon như các loại trái cây thông thường nhưng bạn nghĩ xem, những đứa trẻ con đang đi tung tăng “hái hoa bắt bướm” và thấy bụi bùm sụm, tiện tay hái vài trái bỏ vào miệng thì có phải là vui thú lắm không?
Với cây bùm sụm, ở quê tôi người ta chủ yếu trồng làm cảnh, làm hàng rào, thỉnh thoảng trẻ con hái trái ăn chơi. Hiện nay, cây này ít thấy hơn trước – ngay cả nhà tôi cũng đốn bỏ vì cây này khi thành bụi um tùm thì hay có sâu lông (tôi còn ám ảnh mãi cái cảnh nắm tán lá giở lên thì thấy vài con sâu lông rơi xuống đất, thật khủng khiếp!).
Kỷ niệm về loại cây này cứ như vậy, khi nhớ khi quên cho đến khi tôi biết rằng cây này còn có thể dùng làm thuốc.
Công dụng làm thuốc của cây bùm sụm
Theo công trình Cây thuốc An Giang của nhà nghiên cứu Võ Văn Chi và Tuyển tập 3033 cây thuốc Đông y của Tuệ Tĩnh thiền sư thì thân, nhành, lá và rễ của cây đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên, thông thường, dân gian hay dùng lá cây phơi trong bóng râm cho khô dần (phơi gió) rồi hãm uống như trà (vì vậy mà ở một số nơi nó được gọi xem như một loại cây trà).
Được biết, vị thuốc bùm sụm được các thầy thuốc dân gian sử dụng trong các trường hợp như:
Nói về công dụng điều trị bệnh của cây bùm sụm, lương y Việt Cúc cũng viết:
“Bùm sụm lạt bình, sao sáp trường
Ôn tỳ, trợ vị, uống ăn thường.
Sống trừ thấp nhiệt, giải ban trái,
Tả lỵ sao thơm dụng hợp phương.” (1).
Ở Trung Quốc, cây bùm sụm được nhắc đến trong Trung Quốc chủng tử thực vật khoa thuộc từ điển (tu đính bản) 中国种子植物科属词典 (修订版). Và theo thông tin từ trang https://m.baike.com/wiki/ thì lá cây bùm sụm có vị đắng, tính hàn, có tác dụng giải độc, làm giảm mụn nhọt.
Cách dùng:
sắc uống mỗi ngày từ 3 – 9 g. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, dù là dùng lá làm trà hay dùng cả cành, lá, rễ để làm thuốc thì các bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc về liều lượng và những lưu ý khi dùng (nhìn chung, đây là cây thuốc được dùng theo kinh nghiệm dân gian và được hướng dẫn trực tiếp bởi thầy thuốc địa phương, các bệnh nhân không nên tự mình điều trị) (3).
Ngoài ra, cũng cần nói thêm cây bùm sụm cũng đang được quan tâm nghiên cứu (với các hoạt tính như kháng khuẩn, chống dị ứng…) (5).
Thông tin thêm
- Các tên khác: Cây bùm sụm còn được gọi là cây cườm rụng, cây chùm rụm, cây trà Philippine hay các tên khác ở Trung Quốc như cơ cập thụ (基及树), miêu tể thụ (猫仔树), cây trà Phúc Kiến (Phúc Kiến trà – 福建茶)… Cây có tên khoa học là Ehretia microphylla nhưng cũng thường được gọi bằng các tên khoa học đồng nghĩa khác như Carmona retusa, Ehretia buxifolia (2) (3) (4).
- Phân bố: Ở nước ta, cây phân bố rộng rãi trên khắp cả nước. Ở Trung Quốc, cây mọc nhiều ở Phúc Kiến, Quảng Tây… (3).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: