Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần, bạn ấy đã phải ngậm ngùi từ bỏ. Bởi lẽ, tác dụng giảm cân, thanh nhiệt, cải thiện vòng 1 của bột sắn dây thì chưa thấy mà đã thấy ngán tận cổ vì bột gì mà “nhạt nhẽo y như bột sống!”.
Bột sắn dây giả lấn át bột sắn dây thật
Từ lâu, củ sắn dây (với tên gọi trong y học là cát căn) đã được dân gian dùng với nhiều tác dụng khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng uống bột sắn dây không thấy hiệu quả đã ngày càng trở nên phổ biến và điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: chế độ ăn uống chưa khoa học, uống bột sai cách hoặc uống nhầm bột giả… Trong đó, khả năng người dùng uống nhầm bột giả là rất cao.
Có thể thấy, hiện nay, việc xuất hiện tràn lan bột sắn dây giả được làm từ củ khoai mì đã trở thành vấn đề đáng báo động bởi:
- Rất khó để phân biệt bột sắn dây thật và giả nếu chỉ nhìn bằng mắt.
- Ngay cả khi đến mua tại làng nghề làm tinh bột sắn, bạn vẫn có thể mua nhầm bột giả vì sản phẩm của họ bao gồm cả “xịn” và “giả”. Thậm chí, dù là mua ở siêu thị, khả năng các gói bột sắn dây được làm từ khoai mì hoặc bị trộn với bột khoai mì cũng là rất cao.
- Bột sắn dây có thể uống sống nhưng bột khoai mì (tức bột sắn dây giả) thì không thể dùng sống được vì nó có thể gây ngộ độc (hoặc làm hại đến hệ tiêu hóa)…
Đặc điểm và cách phân biệt bột sắn dây thật
Sắn dây là một loại dây leo có tên khoa học là: Pueraria thomsonii, thuộc họ Đậu: Fabaceae (1).
Bột sắn dây là tinh bột được làm từ củ sắn dây, đã trải qua quá trình mài, ngâm nước, tách lọc để tách bỏ đạm và chất béo, từ đó thu được tinh bột thuần túy. Để có được tinh bột sắn dây, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn như: rửa củ, nghiền nát, vắt nước, tách bã lấy bột, lọc, tách cặn, làm khô… (2).
Bột sắn dây thật có một số đặc điểm như:
- Khi nếm, bột tan mịn nhanh và sau vài phút, đầu lưỡi có vị ngọt nhẹ.
- Khi cho bột vào nước, bột tan mịn nhưng nước bột vẫn trong. Sau khi khuấy lên, bột tan đều, nước bột hơi keo sít và không có cặn, khi đổ sang một cốc nước khác thì cốc nước bột ban đầu không có bột đọng ở đáy.
- Bột sắn dây thật ở dạng quánh đặc rất khó dùng tay để miết (khi miết có cảm giác rất sít).
Ngoài ra, để mua được bột sắn dây thật, người dùng cần lựa chọn các cơ sở cung cấp đáng tin cậy, có thương hiệu và gói bột phải có nhãn mác rõ ràng, không mua các gói bột chiết tay.
Bột sắn dây có tác dụng gì?
Trong làm thuốc: Bột sắn dây được biết đến với các tác dụng sau:
- Giúp hạ sốt.
- Giải khát và thanh mát cơ thể.
- Giúp giảm say nắng và nhức đầu do cảm nắng.
- Điều trị kiết lỵ do nhiệt (uống bột đã khuấy chín) (2) (3).
Chính vì vậy, bột sắn dây ngày càng được người dùng ưa chuộng, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Có hai cách dùng bột sắn dây thường thấy là:
- Uống bột: Mỗi buổi sáng, trước bữa ăn lấy khoảng 2 muỗng bột sắn dây pha trong 1 ly nước rồi cho thêm chút đường và uống (nếu thêm vào nước đá và một lát chanh thì sẽ dễ uống hơn). Tuy nhiên, để tốt cho hệ tiêu hóa (nhất là đối với trẻ nhỏ), các chị em nên nấu chín bột sắn dây và uống. Lúc này, bột sắn dây sẽ sệt và trong suốt ở dạng hồ keo (theo người dùng cho biết thì khi uống bột này, bản thân họ cảm thấy bớt thèm ăn và no lâu hơn, do đó, có thể xem bột sắn dây còn giúp hỗ trợ giảm cân).
- Nấu chè: Thay vì dùng bột mì tinh để nấu chè đậu xanh (chè hoa cau), giúp cho chè sánh, trong và đẹp, các bà mẹ có thể dùng bột sắn dây để thay thế, giúp món chè thanh mát, bổ dưỡng hơn (3).
Trong làm đẹp: Theo báo Sức khỏe và đời sống, bột sắn dây còn có tác dụng làm đẹp. Nếu bị tàn nhang, bạn có thể dùng một muỗng bột sắn dây trộn với nửa chén nước ép cà chua rồi thoa đều lên da (khi thấy bề mặt da khô thì rửa mặt với nước ấm).
Ngoài ra, uống bột sắn dây thường xuyên còn giúp kích thích cơ thể sản sinh nội tiết tố nữ, từ đó giúp tăng kích thước vòng 1 của chị em phụ nữ (với các ngày thường thì uống 1 lần mỗi ngày, riêng ngày đầu tiên sau kỳ kinh nguyệt thì uống hai lần vào sáng và tối) (4).
Lưu ý
- Rễ sắn dây có độc tính thấp và không gây đột biến. Tuy nhiên, không nên dùng bột sắn dây như một thực phẩm thiết yếu mà nên cân bằng cùng các loại thực phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, mỗi người không nên dùng quá một ly nước bột sắn dây mỗi ngày (2) (5).
- Bột sắn dây đã qua pha chế và chế biến nên được dùng ngay để có tác dụng tốt nhất (không cần ướp thêm hoa bưởi hay các hương liệu khác và không nên để quá nhiều đường) (5).
- Phụ nữ mang thai nếu thấy cơ thể không khỏe, mệt mỏi, ớn lạnh… thì không nên uống bột sắn dây (5).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: