Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Dân gian thường sử dụng thân, cành, lá và hoa của cây bóng nước. Trong thuocnam.mws.vn sử dụng thêm cả rễ và hạt.
1.Đặc điểm của cây bóng nước
Cây bóng nước là loài cây thảo, còn có tên là bông móng tay, móng tay lồi, phượng tiên hoa, cấp tính tử…
Tên khoa học là Impatiens balsamina L..
Cây có thể cao tới khoảng 0,5m. Lá mọc so le, có cuống, hình mác, đầu nhọn, mép có răng cưa rất rõ, dài 7-8cm, rộng 2-2,5cm. Hoa mọc ở nách lá, lưỡng tính, màu đỏ, hồng, hay trắng, tùy loài. Lá đài dưới có cánh dài, không đều. Lá đài trước hình cựa. Hoa có 5 cánh to, dính nhau ở gốc; 5 nhị; chỉ nhị ngắn, bao phấn dính sát nhau chung quanh nhụy; 5 lá noãn họp thành bầu thượng 5 ô, mỗi ô đựng nhiều noãn. Quả nang, có lông, đụng vào là vỡ thành nhiều mảnh và tung hạt đi rất xa, hạt tròn màu nâu. Hạt bóng nước được ghi trong “Cứu hoang bản thảo” với tên thuốc là cấp tính tử.
2. Công dụng chữa bệnh của cây bóng nước
2.1.Thân, cành, lá bóng nước
Vị cay, tính ôn, hơi có độc, có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, tiêu thũng, giảm đau. Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, chấn thương phần mềm, đòn ngã sưng đau, mụn nhọt, viêm ngứa da.
Liều dùng 4-12g (khô), 30-60g (tươi) đun nước uống. Dùng ngoài không kể liều lượng, giã nát đắp vào nơi tổn thương hoặc lấy nước ngâm, rửa vết thương.
Kiêng kị: Phụ nữ có thai không dùng.
2.2. Hoa cây bóng nước (Phượng tiên hoa):
Vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, hơi độc có tác dụng trừ phong, hoạt huyết, tiêu thũng, giảm đau giống như cành, lá. Hỗ trợ điều trị liệt nửa người, đau lưng, viêm khớp, đau bụng kinh, bế kinh, sản hậu huyết ứ.
Liều dùng 1–3g (khô), 3-9g (tươi) đun nước uống. Cũng có thể nghiền bột mịn dùng rượu để chiêu thuốc. Dùng ngoài không kể liều lượng, giã nát đắp vào nơi tổn thương hoặc lấy nước ngâm, rửa vết thương.
Cây bóng nước giã đắp giảm đau khớp
2.3 Rễ cây bóng nước (Phượng tiên căn):
Vị đắng ngọt, cay, hơi có độc có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, thông kinh hoạt lạc. Hỗ trợ điều trị đau khớp, đòn ngã sưng đau, chữa hóc xương.
Liều dùng 3–7g (khô), 6-15g (tươi) sắc uống hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài giã đắp hoặc lấy nước ngâm, rửa vết thương.
2.4. Hạt bóng nước (Cấp tính tử):
Vị hơi đắng, tính ôn, hơi có độc; lợi về kinh can và tỳ, có tác dụng giáng khí, hành ứ, chữa bế kinh, nấc nghẹn, hóc xương, dưới dạng thuốc bột hay viên. Liều dùng 12-18g.
Theo nghiên cứu của Y học hiện đại, dịch ép từ cây bóng nước có mùi hăng, tác dụng gây nôn, tẩy nhẹ và lợi tiểu. Thành phần hóa học có trong hoa bóng nước có tính kháng nấm, chống oxi hóa… Dịch chiết từ lá bóng nước với chất axit p-hydroxybenzoic có tác dụng kháng khuẩn. Trong thí nghiệm trên thỏ và chuột với nước chiết từ cây bóng nước cho thấy trương lực tử cung tăng cao, tần số co bóp nhanh ( kích thích tử cung, chữa đẻ khó)
3. Bài thuốc sử dụng cây bóng nước
Khi dùng thuốc sắc, thuốc uống trong cần có sự tư vấn và hướng dẫn của thầy thuốc. Do cây hơi có độc, nên bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng một số phương thuốc chữa dùng ngoài như sau:
3.1 Giảm đau khớp: Cành lá bóng nước dùng tươi, sắc nước ngâm rửa hoặc giã nát đắp vào chỗ đau.
3.2 Bệnh hạch cổ, lao hạch (tràng nhạc): Dùng lá bóng nước tươi, giã đắp, ngày thay thuốc 2-3 lần.
3.3 Trị mẩn ngứa: Lá hoặc hoa bóng nước tươi, xát vào chỗ bị bệnh, ngày xát 4-5 lần
3.4 Chữa ung nhọt, áp xe, vết thương lở loét: Thân, cành, lá bóng nước tươi, giã nát, đắp trực tiếp hoặc lọc lấy nước cốt tẩm gạc đắp vào nơi bị bệnh.
3.5 Đòn ngã tổn thương, sưng đau: Rễ bóng nước, giã đắp.
3.6 Viêm móng tay: Lá hoặc hoa bóng nước tươi 1 nắm, rửa sạch, giã nát, ngâm rửa hoặc đắp, dùng gạc cố định, ngày thay thuốc 2-3 lần.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: