“Bầu già thì ném xuống ao
Bí già đóng cửa làm cao lấy tiền” (1)
Thật vậy, y học cổ truyền phương Đông đã ghi nhận bí đao là một vị thuốc quý, nhiều công dụng.
Đặc điểm
Bí đao (tên khoa học: Benincasa hispida, họ Bầu bí: Cucurbitaceae) (2) hay còn gọi là bí xanh, bí phấn, bí dài, bí chanh, bí đá, bí gối, bù rợ, đông qua… là dạng dây leo dài bằng tua cuốn, nhiều lông phủ và lá hình tim xẻ thùy chân vịt, hai mặt đều có lông cứng. Hoa bí đao có màu vàng. Quả bí đao hình thuôn dài, lúc nhỏ có các công cứng và có lớp phấn sáp phủ bên ngoài khi già. Quả bí đao có nhiều hạt hình dẹt, nhìn như hạt bí rợ hoặc dưa hấu nhưng nhỏ, nhám và dẹp hơn nhiều, có màu vàng nhạt.
Mặc dù ngọn bí đao ăn được nhưng không ngon bằng ngọn bầu, ngọn mướp hay ngọn bí rợ nên hầu như quả bí đao là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Các cách chế biến thường thấy là nấu canh, xào, hấp, kho, làm mứt bí, làm hạt lựu giả (thịt quả thật già xắt hình thoi, trộn với bột, phẩm màu và nấu chín).
Tính vị, công dụng của quả bí đao
Thịt quả: Theo thuocnam.mws.vn, bí đao có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, giải khát, mát tim, trừ phiền nhiệt, giúp giảm mụn sưng và điều trị phù thũng (3). Hải thượng y tông tâm tĩnh – công trình chứa đựng tâm huyết về ngành y của Lê Hữu Trác cũng nhấn mạnh những công dụng này của bí đao:
“Đông qua tục gọi là quả bí (tức bí Đao)
Tính vị cam hàn, không độc khí
Giải khát, thanh tâm lui nhiệt phiền
Tiêu ung thũng trướng và lợi thủy” (4).
Cách dùng: mỗi ngày nấu ăn (hoặc sắc lấy nước uống) khoảng 30 – 40 g quả bí đao tươi (3) (5).
Quả bí đao, phương thức giảm cân tuyệt vời
Công dụng của quả bí đao: Ở Trung Quốc, các món ăn từ thịt quả bí đao nấu chín kỹ (hấp, nấu súp, hầm, kho hành… ) được xem là biện pháp hiệu quả để giảm mỡ máu và giảm cân (được xem là “dưa giảm béo”), đồng thời giúp đẹp da, lợi tiểu, bảo vệ thận và ngăn ngừa tiểu đường (6).
Bởi lẽ, chất đường, đạm và mức năng lượng trong bí đao rất thấp trong khi bí đao lại chứa nhiều vi chất như: Na tri, Ka li, Sắt, Ma giê, vitamin C, E và nhiều vitamin nhóm B khác… (7) (8).
Ngoài ra, quả bí đao cũng được điều chế thành dạng cao (sản phẩm Cao bí đao) để trị mụn, làm sáng và dưỡng ẩm da.
Công dụng các bộ phận khác của dây bí đao
Vỏ quả: Vỏ quả bí đao được dùng điều trị tiểu rắt do bàng quang nhiệt hoặc tiểu đục có chất nhầy (3).
Lá: Lá bí đao được giã nát, trộn với giấm rồi đắp lên các đầu ngón tay sưng đau (3).
Rễ: Rễ của dây bí đao được dùng điều trị đậu mùa bằng cách nấu nước tắm (3).
Hạt: Hạt bí đao có tác dụng kháng sinh, tiêu độc, trừ giun, điều trị ho, rắn cắn và giải độc. Bên cạnh đó, có thể kể đến bài thuốc điều trị ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng bằng cách kết hợp hạt bí đao cùng các vị thuốc sau để sắc uống hàng ngày: hạt bí đao (sao vàng), bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ (để sống), rau diếp cá (mỗi vị 40 g), rễ lau (20 g), hạt đào, cát cánh, cam thảo (mỗi vị 10 g) (5).
Lưu ý
- Không ăn sống hoặc uống nước ép bí đao sống vì sẽ gây tác động xấu đến hệ tiêu hóa.
- Những người bị bệnh về dạ dày hay tính hàn không nên dùng bí đao (6).
- Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều bí đao. Đối với trẻ em và phụ nữ vừa mới sinh xong, hệ tiêu hóa còn yếu nên vào mùa đông, cần cân nhắc đối với bí đao vì có thể gây khó tiêu (7).
- Không ăn bí đao cùng giấm (sẽ bị giấm triệt tiêu các chất dinh dưỡng) hoặc đậu đỏ (vì làm tăng lượng nước tiểu đột ngột gây mất nước) (8).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: