Tuy nhiên, mặt khác, quả bầu thông thường cũng như các bộ phận khác của cây lại có rất nhiều lợi ích không chỉ trong ẩm thực mà còn trong y học.
Dây bầu trong đời sống thường ngày
Cây bầu (Lagenaria siceraria, họ Bầu bí: Cucurbitaceea) (2) là dây leo với các tua cuốn được trồng chủ yếu để lấy quả non và ngọn.
Dây bầu phát triển rất dài nên thông thường, người ta phải bắc giàn cho dây leo, vì vậy, khi hoa bầu (màu trắng) đậu trái và rụng rốn thì trái bầu dần lớn lên, dài xuống theo hướng mặt đất và nằm treo lủng lỉu trên nhành dây với nhiều hình dáng khác nhau tùy theo loại (thuôn dài, hồ lô, hình thiên nga…). Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi viết về người mẹ của mình cũng đã có những vần thơ rất chân thực về hình ảnh này:
“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống” (3)
Không chỉ quả bầu được dùng trong nhiều món ăn thường ngày như luộc, hấp xả, nấu canh, xào, kho… mà ngọn bầu non xào tỏi ăn cũng rất ngon. Tuy nhiên, lá bầu có mùi hôi nên ít được chú ý (hôi nhất là khi tay lỡ chạm vào các lá non còn đầy lông tơ). Dân gian còn thừa nhận mùi hôi, hơi hăng của lá bầu khi nói: “Xưa kia ăn đâu ở đâu – Bây giờ có bí, chê bầu rằng hôi ” (4)
Công dụng của quả bầu
Thịt quả bầu ít đường, ít năng lượng nhưng lại chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như A, B1, B2, B3, C, Can xi, Phot pho, Sắt (2)… Do đó, quả bầu được xem là tốt đối với bệnh nhân tiểu đường, tim mạch và những người muốn giảm cân. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tác dụng chống o xy hóa (7), hạ đường huyết và chống tăng mỡ máu của chiết xuất từ quả bầu (8).
Theo Đông y, quả bầu có vị ngọt nhạt, tính lạnh, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, tiêu thũng, trừ ngứa và giảm táo bón. Cách dùng tươi thông thường là luộc, ăn cái và uống cả nước (hoặc dùng khô) (6).
Công dụng thanh mát của quả bầu còn có thể thấy qua cách lấy thịt quả bầu sống giã nát và đắp lên vùng da bị sưng tấy, nóng đỏ (6) hay qua những đúc kết kinh nghiệm dân gian trong bài ca dao:
“Canh bầu nấu với cá trê
Ăn vô cho mát mà mê vợ già” (6).
Ngoài ra, vỏ quả bầu cũng được dùng làm thuốc với các công dụng phổ biến như:
- Hạ sốt, lợi tiểu, tiêu độc: dùng 30 – 40 g vỏ quả bầu già phơi khô, sắc lấy nước uống (6).
- Tiểu rắt, sỏi thận: dùng vỏ bầu (30 g), hoàng thảo, nhân ý dĩ (mỗi vị 20 g) sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày (6).
Công dụng của lá, rễ, tua cuốn và hoa bầu
- Lá bầu có vị ngọt, tính bình, được dùng trong trường hợp bị rắn cắn bằng cách uống nước ép từ lá bầu tươi (6).
- Rễ bầu được dùng điều trị vàng da và da bị phù. Liều lượng: sắc uống từ 16 – 20 g (6).
- Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải nhiệt độc, được dùng để nấu nước tắm cho trẻ, giúp phòng ngừa đậu, sởi, lở ngứa (6).
Lưu ý
- Tuyệt đối không ăn quả bầu có vị đắng.
- Quả bầu tính lạnh nên ăn nhiều có thể gây nôn tháo.
- Những người đầy hơi, bị sưng ống chân không nên ăn bầu vì sẽ làm bệnh lâu khỏi. Bên cạnh đó, những người tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng cũng không nên ăn.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: