Về cây áp nhi cần
Cây áp nhi cần (ấn chỉ Canada) có tên khoa học là Cryptotaenia japonica (1) và lúc còn non thì trông như cây rau cần tây, lá có 3 thùy rộng và mép lá có dạng răng cưa.
Hoa của cây có màu trắng, mọc thành chùm dạng tán và khá nhỏ. Quả áp nhi cần thuộc dạng quả dẹt và thuôn. Trong tự nhiên, cây thường mọc ở những nơi ẩm ướt (ven suối, trong rừng ẩm…) (2).
Công dụng làm thuốc của cây áp nhi cần
Toàn cây áp nhi cần đều được dùng làm thuốc và thường được thu hái vào mùa thu, sau đó rửa sạch, phơi âm can cho khô dần (vì lá cây có chứa một lượng tinh dầu bay hơi, nếu phơi ngoài nắng thì sẽ hao hụt rất nhiều).
Làm thuốc uống: Theo y học cổ truyền, áp nhi cần có vị đắng, hơi cay, lành tính và có tính ấm. Vì vậy, nó thường được dùng trong điều trị nóng lạnh bằng cách sắc lấy nước uống từ 6 – 12 g mỗi ngày.
Với trường hợp chấn thương và đau nhức toàn thân thì dân gian không dùng toàn cây mà thường chỉ dùng rễ, lấy khoảng 4 g, nấu lấy nước uống.
Với trường hợp ăn uống khó tiêu, có thể lấy 8 – 10 g quả áp nhi cần, nấu lấy nước uống.
Dùng ngoài da: Toàn cây áp nhi cần (dạng tươi) còn được giã nát, đắp ngoài da để giảm sưng đau do ong đốt và điều trị ngứa ngoài da (2).
Các nghiên cứu về cây áp nhi cần
Nhìn chung, so với các loại thảo dược khác thì cây áp nhi cần chưa được nghiên cứu và ứng dụng nhiều. Tuy nhiên, một số nghiên cứu bước đầu cũng đã cho thấy loài cây này có nhiều tiềm năng làm thành phần giúp chống oxy hóa và bảo vệ gan như:
- Tác dụng chống oxy hóa: Theo tạp chí Journal of Agricutural and food chemistry, tinh dầu được chiết tách từ hạt cây áp nhi cần có đến 109 hoạt chất và trong đó có nhiều chất có tác dụng chống oxy hóa (3). Không chỉ thế, theo tạp chí Industrial Crops and Products, lá và thân cây áp nhi cần là một nguồn cung cấp các hoạt chất chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm đầy hứa hẹn (cho ngành dược phẩm và công nghiệp thực phẩm) (4).
- Tác dụng bảo vệ gan: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy toàn bộ flavonoid từ cây áp nhi cần có tác dụng bảo vệ gan trước những tổn thương do CCl4 gây ra (5).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: