Tất cả cành, lá, quả và rễ của cây ớt đều được dùng làm thuốc. Quả dùng tươi hoặc dùng khô. Lá chủ yếu dùng tươi.
Đặc điểm của các loại ớt
1. Ớt quả dài
Ớt quả dài, mọng, hình trụ.
Tên khoa học của loài ớt này là Capsicum frutescens L. (C. annuum L.), thuộc họ Cà (Solanaceae).
Ớt quả dài là một loại cây bụi nhỏ, cao từ 0,5-1m, phân cành nhiều. Lá nguyên, mọc đối, hình trái xoan nhọn. Hoa ở nách lá, thường mọc đơn độc, ít khi thành đôi. Đài hợp hình cái chuông; tràng hoa hình bánh xe hay hình chuông, chia 6 thùy, màu trắng hay vàng nhạt; có 5 nhị, bầu 2-3 ô. Quả mọng, thường có hình trụ tròn, đầu nhọn, nhưng cũng có thể có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau. Hạt hình thận dẹt.
2. Ớt chỉ thiên
Ớt chỉ thiên có tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. fasciculatum (Sturt.) Bail, cũng thuộc họ Cà.
Là loại cây bụi, nhưng nhỏ hơn cây ớt quả dài, lá hẹp, tán lá mịn. Quả mỏng, mọc đứng thành từng chùm ở đầu các cành; màu đỏ tươi, rất cay.
3. Ớt cà
Ớt cà còn có tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. cerasiforme (Mill.), cũng thuộc họ Cà (Solanaceae). Quả to bằng quả xơ-ri, đường kính 2 cm, màu đỏ chói.
Ớt cay làm gia vị và làm thuốc có tác dụng giảm đau, sát trùng
Những năm gần đây, bắt đầu sử dụng nhiều loại ớt không cay, thường gọi là ớt ngọt, ớt cà chua, ớt Đà Lạt… Tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. grossum (L.) Bail., cũng là cây thuộc họ Cà (Solanaceae).
Loài ớt này có quả to, tròn hay hình túi, nhăn nheo, khi còn non màu xanh lục, khi chín màu vàng hay đỏ cam, vỏ quả dày, rất thơm, nhưng không cay.
Tác dụng của cây ớt
Quả ớt: Vị cay, tính nóng, vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng ôn trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực. Dùng chữa tiêu chảy, tích trệ, sốt rét, thông kinh lạc, giảm đau, sát trùng.
Kinh nghiệm dân gian khi bị đau nửa đầu, lấy dầu ớt hoặc quả ớt tươi cay bẻ đôi chấm vào mũi bên nửa đầu bị đau, cơn đau nhức sẽ giảm rất nhanh. Sau đó để làm hết cay, lấy tóc chấm vào chỗ bị cay.
Lá ớt: Vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Rễ ớt: Tính vị và công dụng tương tự quả có tác dụng làm hoạt huyết, tán thũng; thường dùng điều trị chân tay bải hoải, tinh hoàn sưng đau, tử cung xuất huyết cơ năng.
Cành ớt: Vị tân nhiệt (cay nóng), có tác dụng trừ hàn thấp, tán ứ trệ; dùng chữa phong thấp (đau xương khớp do lạnh), đông sang (tổn thương phần mềm do lạnh).
Chú ý: Những người có thể tạng nhiệt, “âm hư hỏa vượng” (phần âm suy tổn, nóng trong), đang bị ho, mắc bệnh mắt, đau dạ dày không nên dùng.
Ớt chữa phát cước, ngứa da, tê bì do lạnh giá (đông sang)
Bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh từ cây ớt
1.Chữa đau lưng, thấp khớp, đau dây thần kinh: Quả ớt giã nát, ngâm rượu với tỷ lệ 1/2 (một phần ớt tươi, 2 phần rượu) dùng xoa bóp.
2. Chữa trúng phong, răng cắn chặt: Lá ớt tươi (loại ớt chỉ thiên) 30–50g, giã nát, thêm nước và ít muối, lọc lấy nước cốt, đổ vào miệng còn bã đắp vào răng người bệnh sẽ tỉnh lại.
3. Chữa sốt rét: Lá ớt tươi 30g, giã nát, hòa với nước đun sôi để nguội, chắt nước cốt uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ. Ngày 1 lần, dùng trong 5–7 ngày liền.
4. Chữa phù thũng: Lá ớt tươi 30 – 40g, sao vàng, sắc uống trong ngày.
5. Chữa rắn rết cắn, côn trùng đốt: Ớt tươi 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ ớt chỉ thiên 80g, tất cả giã nát, thêm nước, gạn nước uống, bã dùng đắp lên vết cắn.
Nếu là rết và côn trùng đốt dùng lượng ít hơn. Có thể dùng riêng lá ớt tươi lượng vừa đủ giã nát, đắp vào vết cắn. Sau 15-30 phút nếu còn đau nhức làm thêm lần nữa.
6. Chữa eczema: Lá ớt tươi 30g, me chua 20g, hai thứ giã nát đắp, dùng 5-10 ngày là khỏi.
7. Chữa mụn nhọt đinh độc, tổn thương phần mềm: Lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo mỗi thứ 10 – 20g, giã nát với một ít muối, đắp vào nơi tổn thương.
8. Chữa đau bụng kinh niên: Rễ ớt 10g, rễ chanh 10g, rễ xuyên tiêu 10g. Các vị sao vàng sắc uống trong ngày.
9. Chữa đau nhức khớp xương do nhiễm lạnh hoặc đòn ngã tổn thương: Quả ớt 12g, ngâm trong 500ml rượu; sau 20-30 ngày có thể sử dụng. Mỗi lần uống 5-10ml, ngày uống 2 lần.
10. Chữa rụng tóc: Quả ớt 12g, ngâm trong 500ml rượu. Sau 10-15 ngày có thể sử dụng. Dùng bông thấm rượu ớt, bôi lên chỗ tóc rụng 2-3 lần/ngày có tác dụng kích thích tóc mọc.
11. Chữa viêm tấy da có mụn nước, trợt loét: Quả ớt sao khô, nghiền bột mịn, rắc vào vết thương, ngày 1 lần.
12. Chữa tổn thương ngoài da, da tấy đỏ, đau rát, hoặc ngứa, tê bì do lạnh giá (đông sang): Dùng ớt sắc lấy nước rửa, hoặc nấu trong dầu thực vật (thành “dầu ớt”), bôi vào nơi tổn thương.
13. Chữa phát cước ở người cao tuổi do thời tiết lạnh: Cành cây ớt 60g, trần bì 20g, tỏi 30g. Sắc nước, dùng bông gạc thấm thuốc đắp lên chỗ da bị cước, ngày 2-3 lần.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: