Thơm, khóm, dứa… đều là tên gọi của loại quả có nhiều mắt xung quanh vỏ, ăn vào chua thơm ngấy ngấy nên dễ khiến ta người ta rùng mình mỗi khi nhìn thấy (ngay từ khi gọt vỏ, ngửi thấy mùi khóm là bạn đã dợn người).
Vậy mà, trái khóm lại rất ngon (nhất là lõi) và có nhiều công dụng, từ làm đẹp đến làm thuốc. Ở quê tôi, người ta phân biệt hẳn “thơm” và “khóm”. Thơm là loại trái nhỏ hơn, vỏ có màu đỏ còn khóm thì trái to hơn, vỏ có màu vàng.
Bạn có ăn khóm lần nào chưa và bạn đã dùng nó làm đẹp bao giờ chưa?
Trong khóm có các chất dinh dưỡng gì?
Được biết, trong trái khóm có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Bên cạnh một lượng lớn đường bột, chất đạm và chất xơ; khóm còn chứa chất béo, Phốt pho, Ka li, Đồng, Can xi, Sắt, Ma giê, Man gan và các vitamin như: tiền vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C…
Đặc biệt, khóm còn chứa enzyme proteaza, enzyme này giúp phân hủy chất đạm rất mạnh. Vì vậy, chúng ta không nên ăn nhiều khóm cùng một lúc vì sẽ gây xót ruột, cồn cào bao tử cũng như rát lưỡi (1).
Trái khóm giúp dưỡng da trắng đẹp
Trong khóm có nhiều bromelain giúp tẩy tế bào chết cho da. Đồng thời, trong trái khóm còn có nhiều hoạt chất, vitamin và khoáng chất giúp làm sạch và nuôi dưỡng da.
Vì vậy, với những người có làn da thô ráp, hay bị nhiễm bẩn, da mặt đen do lâu ngày chưa tẩy tế bào chết thì có thể dùng khóm để làm đẹp.
Cách dùng đơn giản như sau: Lấy một miếng khóm, gọt vỏ, xay nát rồi đắp lên mặt, sau đó nằm thư giãn 10 phút rồi rửa lại với nước (1).
Mỗi tuần, bạn có thể thực hiện hai lần cách dưỡng da này để da trắng đẹp hơn nhé!
Trái khóm – món tráng miệng giúp giảm dị ứng
Dân gian có kinh nghiệm rằng: khi nấu ăn, hễ món nào dễ gây dị ứng thì đem nó ướp với khóm trước khi nấu. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng thuận lợi để kết hợp với khóm.
Vì vậy, có một mẹo đơn giản hơn là ăn một miếng khóm tráng miệng trước bữa ăn, như thế thì sẽ giúp phân giải các chất gây dị ứng (1).
Trái khóm giúp giảm sưng và bầm do té ngã, va đập
Khi bị té ngã khiến cho tụ máu bầm và sưng ngoài da, bạn có thể uống các loại thuốc phá huyết ứ như Trật đả hoàn, hồng hoa…
Với trường hợp nhẹ, chỉ bị va đập sưng bầm thì bạn có thể uống trà gừng kết hợp đắp bó củ gừng tươi. Ngoài ra, có một cách khác nữa là ăn một trái khóm (kết hợp với đắp củ gừng tươi bên ngoài).
Được biết, chất bromelain có trong trái khóm không chỉ giúp giảm sưng (do va đập, do bệnh gút) mà còn giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh viêm khớp mãn tính.
Thông tin thêm về công dụng của trái khóm
Chúng ta ăn khóm hàng ngày nhưng thường là vì sở thích, thói quen và nhu cầu chế biến.
Tuy nhiên, nếu biết rõ hơn các lợi ích mà trái khóm mang lại, ắt hẳn bạn sẽ yêu quý nó nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn.
1. Thứ nhất, ăn khóm giúp cải thiện hệ thần kinh. Thật vậy, trong khóm chứa nhiều Man gan là chất có tác dụng cải thiện trạng thái tinh thần, giúp người ăn vui vẻ hơn và bớt những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, mẫn cảm.
Vì vậy, mỗi ngày ăn 200 g khóm sẽ giúp ích cho tâm trạng bạn rất nhiều đấy!
2. Thứ hai, ăn khóm giúp dễ tiêu hóa chất thịt. Đây không còn là vấn đề cần bàn cãi vì khóm thực sự là loại quả phân hủy chất đạm rất mạnh (nhờ enzyme proteaza phân cắt chất đạm thành các axit amin).
Bạn có biết vì sao khi xào thịt trâu hay thịt bò, người ta thường xào cùng khóm không? Là để cho thịt mau mềm hơn đấy. Hơn nữa, sau những bữa ăn thịnh soạn no đầy, để dễ tiêu hóa hơn, bạn cũng có thể ăn một miếng khóm nhé!
Thứ ba, khóm giúp chống loãng xương. Có được điều này là nhờ khóm chứa nhiều Man gan (như đã nói ở trên). Chất này giúp điều hòa sự hấp thụ Can xi và Phốt pho (cấu tạo nên xương).
Vì vậy, với những người ăn các thức ăn có Can xi nhưng vẫn bị thiếu Can xi do lượng Can xi từ thức ăn không được hấp thu (vì thiếu Man gan) thì có thể bổ sung Man gan bằng cách ăn khóm mỗi ngày, bạn nhé (mỗi ngày 200 g) (1).
Lưu ý khi ăn khóm để không gây hại cho sức khỏe
- Trường hợp ngộ độc dứa (khóm): Có một số trường hợp sau khi ăn khóm, cơ thể xuất hiện dấu hiệu ngộ độc, nôn mửa, ngứa ngáy, mệt mỏi… Xuất hiện tình trạng này là do một loại nấm độc có tên là Candida tropicalis bám vào quả khóm. Với những trái bị giập, thối thì loại nấm này càng dễ xâm nhập vào hơn. Vì vậy, hãy đảm bảo gọt vỏ khóm trước khi ăn và không dùng những quả giập, thối, bạn nhé!
- Cách giải độc khi bị ngộ độc dứa: Theo kinh nghiệm dân gian, nếu ăn dứa (khóm) mà bị ngộ độc, bạn có thể lấy 40 g vỏ của trái khóm vừa ăn ban nãy, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (nếu có thời gian thì tìm thêm 40 g cây cam thảo đất và 40 g rau má để nấu chung, sau đó để thêm 20 g muối và uống).
- Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ không nên ăn nhiều khóm vì trong khóm có chất gây kích thích tử cung. Ngoài ra, những người bị đau bao tử, viêm loét bao tử cũng không nên ăn.
- Lựa chọn: Không ăn trái khóm xanh (chưa chín) (2) (3).
Ngoài ra, cũng cần phân biệt trái khóm còn được gọi là trái dứa nhưng nó khác với một loài cây khác ở miền Nam cũng được gọi là cây lá dứa (tức cây nếp thơm, có lá rất thơm nhưng không có trái, chỉ dùng lá xay ra, chắt lấy nước để tạo màu cho các món ăn).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: