Khác với trà hoa hoa lài chỉ ngửi thôi đã thấy thơm đằm, trà nụ vối phải nếm mới cảm nhận được hết cái thơm sâu của nó. Nếu vốc một nắm nụ khô để ngửi, bạn chỉ thấy cái mùi na ná như mùi lá bạch đàn khô hay mùi hạt é. Thậm chí, có thể bạn còn có cảm giác là nó sẽ hơi đắng nữa. Thế nhưng, khi pha thành trà, nó lại gây cho ta cái cảm giác đắng chát mà không phải đắng chát, vì vậy càng uống lại càng thấy thú vị. Hơn nữa, bạn còn có thể cảm nhận rõ ràng hương thơm của trà nụ vối bằng vị giác (chứ không chỉ bằng khứu giác).
Mặt khác, nếu cho thêm đường và nước đá nữa thì trà nụ vối ngọt ngon chẳng khác nước sâm!
Thật ra, ban đầu, khi mới uống, có thể bạn sẽ nhầm hương thơm của trà nụ vối với la hán quả, atiso hay sa kê… Thế nhưng, khi đã uống quen rồi thì bạn sẽ nhận ra nó khác các vị ấy nhiều lắm!
Về nụ vối
Nụ vối mà chúng ta hay dùng như trà là nụ hoa của cây vối nhà đã phơi khô. Cây vối nhà (gọi ngắn gọn là cây vối) có tên khoa học là Syzygium nervosum, thuộc họ Sim: Myrtaceae), khác với cây vối rừng có tên khoa học là Syzygium cuminii (1) (2).
Hoa vối mọc thành cụm và nụ vối nhìn như nụ hoa bạch đàn nhưng nhỏ hơn nhiều. Trong nụ vối có tinh dầu thơm. Sau khi thu hái, người ta phơi khô các nụ này để làm nước uống, đồng thời điều trị một số bệnh về tiêu hoá.
Cách dùng trà nụ vối
Mỗi ngày, bạn có thể dùng vài muỗng nụ khô (chừng 20 g) nấu trong một lít nước, để sôi khoảng 5 phút thì chắt nước ra và dùng. Bên cạnh đó, có thể hãm nụ vối khô như hãm trà vậy (có thể hãm nhiều lần nước và uống trong ngày).Trà nụ vối có màu vàng nâu và có mùi thơm đằm dễ chịu.
Những công dụng của nụ vối
Trà nụ vối không chỉ giúp giải khát mà còn được biết đến với các công dụng như:
- Giải nhiệt, sát trùng.
- Giúp giảm sốt và nhức đầu.
- Giúp dễ tiêu hoá, nhuận tràng và điều trị lỵ trực trùng.
- Điều trị viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính (2).
Những nghiên cứu đáng chú ý về cây vối
– Tác dụng chống ung thư và HIV của hạt vối: Theo tạp chí Journal of Science and Technology, một số hợp chất được chiết xuất từ hạt vối có tác dụng giúp chống lại các tế bào ung thư và ức chế HIV – 1 (ở mức độ vừa phải) (3).
– Tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hoá của nụ vối: Theo tạp chí Food and Chemistry Toxiccology, tinh dầu và chiết xuất etanol từ nụ vối đều có tác dụng kháng khuẩn đáng kể, chống lại nhiều loại vi khuẩn (trong đó có Tụ cầu vàng và các vi khuẩn gây hư hỏng thực phẩm). Ngoài ra, nụ vối cũng có tác dụng chống oxy hoá (4). Từ đó có thể thấy, bổ sung trà nụ vối vào khẩu phần ăn uống hàng ngày sẽ giúp cơ thể ngăn ngừa được nhiều bệnh đáng kể, nhất là các bệnh về oxy hoá.
Thông tin thêm
Bên cạnh nụ vối, nhân dân ta từ lâu cũng dùng lá vối (dùng tươi hoặc dùng khô, sắc lấy nước uống) với tác dụng như nụ vối. Bên cạnh đó, nước ép lá vối tươi (đã pha loãng) còn có tác dụng giải độc lá ngón bằng cách uống hoặc cho trực tiếp vào bao tử (nếu người bệnh bất tỉnh). Ngoài ra, nước sắc từ vỏ thân cây vối còn được dùng điều trị ghẻ ngứa và viêm nang lông (rửa ngoài) (2).
Quay trở lại với trà nụ vối, mình thấy nếu pha nước đậm thì ngon hơn và nếu cho thêm đường khi uống thì lại thơm ngon hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những người bị tiểu đường thì không nên cho thêm đường hoặc có thể dùng các loại đường nhân tạo (dành cho bệnh nhân tiểu đường) để thay thế.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: