Vài nét về cây xạ hương
Vị trí, vai trò của cỏ xạ hương
Điều trị bệnh bằng các liệu pháp thiên nhiên đã trở thành xu thế của thế kỷ công nghiệp, khi các chế phẩm hóa dược luôn đi kèm những tác dụng phụ không mong muốn. Là loài thực vật có nguồn gốc từ châu Âu nhưng nhờ tính đa dụng trong nhiều lĩnh vực, cỏ xạ hương ngày nay đã được di thực trên toàn thế giới.
Không chỉ là cây ẩm thực (làm trà uống, làm gia vị tươi hoặc khô trong các món ăn), cỏ xạ hương còn là cây hương liệu (dùng trong nghi thức tang tế, thờ cúng, chiết xuất tinh dầu, làm nước hoa…), đồng thời cũng là cây cảnh và cây dược liệu.
Đặc điểm cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương (tên khoa học: Thymus vulgaris, họ Bạc hà: Lamiaceae) (2) còn được gọi là bách lý hương. Cây xạ hương có tinh dầu thơm nên khi dùng tay quơ qua quơ lại những nhành lá và ngửi sẽ thấy mùi thơm mát ngọt, dễ chịu. Về đặc điểm, cỏ xạ hương là cây dưới bụi cao khoảng 30 cm, thân có lông mịn. Lá xạ hương khá nhỏ, có hình mũi mác. Hoa xạ hương có các màu như trắng, hồng hoặc tím.
Các cách dùng cây xạ hương làm thuốc
Tinh dầu xạ hương
So với các loài cùng chi Thymus thì cỏ xạ hương là loài chứa hàm lượng tinh dầu nhiều nhất (trong đó hợp chất thymol chiếm đến 51, 34 %). Các hợp chất tinh dầu trong cỏ xạ hương có mùi thơm đặc trưng làm thư giãn, giảm đau, chống o xy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm và chống co thắt rất tốt. Đặc biệt, có thể nói tinh dầu xạ hương là “người bạn thân thiện” của hệ hô hấp bởi nó giúp giảm ho, cải thiện tình trạng khó thở, nghẹt mũi và ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp (2) (4).
Bên cạnh đó, có thể nhỏ hai giọt tinh dầu xạ hương vào nước ấm rồi dùng súc miệng để giảm đau họng và làm sạch khoang miệng (3) .
Thuốc sắc cỏ xạ hương
Cây xạ hương có thể dùng độc vị nhưng thường được kết hợp cùng các vị thuốc khác để điều trị hiệu quả các bệnh về hô hấp như ho, viêm họng, viêm phế quản…(3). Bên cạnh đó, theo các kết quả nghiên cứu, chiết xuất nước từ cỏ xạ hương còn cho thấy khả năng ức chế vi rút HSV gây ra bệnh mụn rộp (loại 1, 2) (4).
Trà xạ hương
Thông thường, người ta dùng lá xạ hương phơi khô để làm trà uống, mỗi lần dùng khoảng 1 muỗng cà phê. Cũng như thuốc sắc, trà được làm từ cỏ xạ hương không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn điều trị ho và viêm phế quản (2) (5).
Dùng cây xạ hương như thực phẩm
Cỏ xạ hương từng được ông tổ nghề y là Hippocrates sử dụng và đề nghị mọi người dùng sau bữa ăn để dễ tiêu hóa (6). Theo chuyên trang healthplus.vn, dùng kết hợp cỏ xạ hương như một loại rau thơm trong các món ăn hàng ngày còn có thể tránh được ngộ độc thực phẩm và các bệnh nhiễm trùng đường ruột. Ngoài ra, cỏ xạ hương còn làm tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện chức năng gan, làm giảm lượng cholesterol cũng như hỗ trợ điều trị ho và viêm phế quản (3) (4).
Thông tin thêm
- Sơ chế: Theo đề xuất của các nhà nghiên cứu, sấy khô cây xạ hương ở nhiệt độ 60 độ C sẽ giúp tích lũy hương liệu với hàm lượng cao nhất (7).
- Đối tượng: Phụ nữ mang thai không nên dùng xạ hương để tránh sảy thai vì lượng tinh dầu mạnh (6).
- Liều lượng và sử dụng: Không nên lạm dụng cỏ xạ hương cũng như tinh dầu xạ hương trong nấu ăn và làm thuốc. Ngoài ra, cũng nên chú ý, không để tinh dầu rơi vào vùng da nhạy cảm hay các vết thương chưa lành (3) (5).
- Tùy vào tình trạng sức khỏe và cơ địa mà các bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng cây xạ hương làm thuốc hiệu quả nhất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: