Có thể nói, trong các thứ rau bình dị ở làng quê, khó có loại nào được mượn để tỏ tình một cách có duyên, tình tứ như rau mồng tơi:
“Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.” (1)
Lời giao duyên mới dễ thương làm sao! Hái ngọn mồng tơi giòn, dễ gãy đễ “bắt cầu” thực chất chỉ là đùa ghẹo để đi đến cái cầu nối vững bền hơn là dải yếm đào.
Được xem là một trong những loại rau ngon nhất nhưng cũng khó đảm bảo nhất về độ an toàn khi mua tại chợ, rau mồng tơi còn được sử dụng để điều trị bệnh nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và chống o xy hóa.
Đặc điểm
Rau mồng tơi (tên khoa học: Basella alba, họ Basellaceae) (2) còn có các tên gọi khác như mùng tơi, tầm tơi, lạc quỳ, chung quỳ, yên chi thái…
Mồng tơi thuộc dạng dây leo bằng thân quấn (màu xanh hoặc đỏ). Lá mồng tơi xanh dày, láng giòn và có hình tim. Quả mồng tơi mọng tròn, nhỏ, màu trắng điểm hồng khi non, xanh khi trưởng thành và tím đen khi chín, mọc trên các tua (mỗi tua vài mươi quả).
Ngoài dùng để ăn, trẻ em ở các vùng quê còn vò nát lá mồng tơi để lấy nhớt thổi bong bóng (thường hòa chung với nước rửa chén). Quả mồng tơi khi chín rất dễ rụng và tự mọc thành các cây con. Đặc biệt, nước màu tím từ quả mồng tơi trẻ con rất thích. Có ai trong tuổi thơ đã từng lấy màu tím mồng tơi làm mực viết lên giấy, lên lá chuối (bằng một que tăm nhỏ) hay làm nước sơn rồi tô tím rịm các móng tay không?
Công dụng của lá mồng tơi
– Dùng chín: Lá mồng tơi có vị chua, tính hàn, không độc, có công dụng nhuận tràng, thông đại tiện, tiểu tiện và giúp hoạt thai, dễ sinh (3). Lá mồng tơi cũng giàu vitamin A, C và chất xơ, ngoài ra còn có vitamin B9, chất sắt, can xi, ma giê… (4). Thông thường, người ta dùng ngọn và lá mồng tơi non trong các món canh, luộc, xào giúp thanh mát và nhuận tràng.
– Dùng tươi: Lá mồng tơi không non cũng không quá già còn được dùng tươi để điều trị các bệnh sau đây:
- Sưng tấy (sưng nứt ở nhũ hoa, ngón tay): Dùng lá mồng tơi tươi rửa sạch, giã thật nhuyễn, cho thêm chút muối trộn đều và đắp lên vài lần sẽ khỏi. Nếu là mụn nhọt sưng tấy trên mặt thì chọn các lá tốt và lau sạch từ chiều hôm trước, tới sáng hôm sau (lúc 8h) thì chọn hái những lá đang được nắng chiếu vào (3). Theo kinh nghiệm dân gian, vào buổi sáng, lấy lá mồng tơi non rửa sạch, giã nát và thoa lên mặt trong khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước cũng giúp làm sạch và nuôi dưỡng da (một tuần 2, 3 lần).
- Tiểu tiện nóng buốt: Chọn những lá mồng tơi còn trên dây, xanh tốt, không sâu bệnh (độ khoảng một nắm) rồi dùng khăn lau rửa cho sạch từ buổi chiều. Đến rạng sáng hôm sau, đúng 4 giờ sáng (giữa giờ Dần) thì hái những lá đó và không rửa nữa. Sau đó giã nát, vắt lấy nước cốt, pha với ít nước chín, cho thêm một ít muối vào rồi đợi đến lúc mặt trời bắt đầu mọc thì uống. Phần bã mồng tơi thì lấy đắp vào bụng dưới, chỗ bàng quang (3).
- Thở ra hơi nóng như lửa: Bắt cua đồng rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước rồi nấu cùng với rau mồng tơi (như nấu canh), ăn vào buổi trưa (khoảng vài lần là khỏi) (3).
Một số nghiên cứu về lá mồng tơi
- Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm đã chứng minh bổ sung lá mồng tơi vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp duy trì sức khỏe tốt và làm giảm thiếu máu (5)
- Theo Tạp chí Khoa học ứng dụng (Journal of Applied Pharmaceutical Science), bên cạnh công dụng bảo vệ gan, kháng viêm, kháng khuẩn, chống loét và chống o xy hóa, chiết xuất từ mồng tơi còn được dùng để điều trị đái tháo đường, thiếu máu, ho gà, bệnh phong, mất ngủ, nhức đầu, ung thư, các bệnh ngoài da, yếu sinh lý và bệnh lậu… (6)
Lưu ý
- Do có tác dụng nhuận tràng, nên người bị tiêu chảy không nên ăn rau mồng tơi (7)
- Kinh nghiệm dân gian cho rằng người bị sỏi thận không nên dùng (7)
- Ăn quá nhiều rau mồng tơi trong ngày có thể gây đau lưng.
- Rau mồng tơi mua ở chợ thường bị tẩm hóa chất tăng trưởng giúp đọt phượt, non, phổng phao trông bắt mắt. Do đó, nên chọn nguồn cung cấp có uy tín hoặc tự trồng để đảm bảo an toàn (rau mồng tơi rất dễ trồng từ hạt).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: