Khi nghe đến “dừa nước”, bạn nghĩ đến một loài rau mọc nổi trên mặt nước, thân thường có phao trắng hay loài cây thân ngầm, có tán lá như cây dừa? Có thể nói, dừa nước là một trong những loại cây làm nên đặc trưng sinh thái Nam Bộ.
Trong đời sống hàng ngày, người Nam Bộ gọi nó là “cây dừa nước” (nhấn mạnh ở chữ “cây”) để phân biệt với một loài rau cùng tên, có thân ăn được là “rau dừa” (nhấn mạnh ở chữ “rau”, hay còn gọi là “cây rau dừa”, “cây rau dừa nước” để phân biệt với “cây rau dừa cạn”).
Cây dừa nước mọc rất nhiều ở Nam Bộ. Dân gian còn lưu lại hình ảnh những đám lá dừa nước sầm uất là nơi trú ẩn của nghĩa binh Trương Định thời kháng pháp:
“Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương “đám lá tối trời” đánh Tây.”
Đặc điểm cây dừa nước
Dừa nước hay còn gọi là dừa lá (tên khoa học: Nypa fruticans), thuộc họ Arecaceae (1), thường mọc ở các cửa công, bãi bồi, dọc các con kênh hoặc các dòng sông cạn, đầm lầy…
- Đây là loại cây có thân mọc ngầm dưới bùn nước (khoảng 1 m), chỉ có phần lá và cuống hoa mọc vượt lên trên.
- Lá dừa nước giống như lá dừa nhưng to hơn nhiều và các bẹ lá cũng to, mập mạp hơn.
- Hoa dừa nước thuộc loại đơn tính, từng hoa đực màu vàng nhìn như đuôi sóc (hoặc giống trái mít non); cụm hoa cái hình cầu nên sau khi thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau, bám vào cùi dừa tạo thành một quầy quả hình khối cầu với màu nâu sậm.
Cây dừa nước rất dễ sinh trưởng (“nở” thành các bụi um tùm, rậm rạp) và sinh sản (trái khô rụng, phát tán theo thủy triều). Đặc biệt, cái dừa nước (phôi nhũ) có màu trắng, ngọt và thơm đầm rất đặc trưng, bao quanh một ít nước dừa hơi sánh.
Khác với cây dừa nước, rau dừa nước là loại thân bò, có rễ ở các mấu, mọc nổi trên mặt nước nhờ các phao trắng, lá bầu dục, hoa mọc ở nách lá. Rau này thường được dùng để ăn hoặc làm thuốc điều trị các bệnh như tiểu gắt, viêm bàng quang, viêm cầu thận,…
Dược tính của cây dừa nước
- Chống oxi hóa: Vỏ quả dừa nước có các xơ với vị ngọt chát, có mùi thơm đặc trưng. Thịt quả dừa nước (cái dừa) thơm ngọt, có tính hàn, bổ mát. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần cái dừa non, mềm ở quả chưa trưởng thành có khả năng chống o xy hóa cao hơn ở quả trưởng thành (cái dừa cứng hơn, màu trắng đục hơn). Ngoài ra, một số bộ phận khác của cây dừa nước cũng được nghiên cứu và kết quả cho thấy hoạt tính chống oxi hóa cao hơn ở lá trưởng thành, sau đó là lá non và vỏ quả. (2)
- Chống nhiễm trùng: Nghiên cứu chiết xuất từ vỏ quả và lá dừa nước cho thấy khả năng chống lại các vi khuẩn như E.coli (gây bệnh đường ruột), S.aureus (Tụ cầu vàng, gây nhiễm trùng), P.aeruginosa (Trực khuẩn mủ xanh, gây viêm nhiễm và nhiễm trùng huyết)… (2)
- Chống tăng đường huyết: Thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất từ thân và lá dừa nước có tiềm năng chống tăng đường huyết và chống nhiễm trùng. (2)
- Điều trị mụn rộp: Được biết, chồi non của cây dừa nước còn được dùng để điều trị mụn rộp bằng cách rửa sạch, ép lấy nước rồi uống (3)
- Ngoài ra, nhựa được chiết từ cuống quả dừa nước còn được dùng để làm nấu thành đường hoặc lên men làm giấm, rượu. Một thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy chiết xuất giấm (được làm từ nhựa cuống quả dừa nước) có tác dụng làm giảm đường huyết với sự cải thiên tích cực nồng độ insulin. Đồng thời, chiết xuất cũng cho thấy khả năng giúp phục hồi tổn thương gan (do STZ) ở chuột tiểu đường. (4)
Cây dừa nước trong đời sống Nam Bộ
Cây dừa nước có sự gắn bó đặc biệt sâu sắc tới đời sống người dân Nam Bộ. Hình ảnh các o miệt vườn bơi xuồng bên cạnh những tán lá dừa nước lại càng duyên dáng. Lá dừa nước được dùng để làm củi đốt hay chằm thành những tấm lá nhà (để làm mái nhà lá, rất mát). Lá non (cà bắp) được dùng để gói bánh cà bắp. Cái dừa nước cho thêm chút đường và nước đá là một thứ đồ uống giải khát đặc sản, tuyệt vời.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: