Trước đây, không khó để tìm một vài dây cây gấc quanh vườn nhà. Đặc biệt, các cụ già thường lấy hạt gấc phơi khô để làm thuốc. Khi hỏi một cụ bà hơn 80 tuổi, cụ trả lời là dùng hạt gấc để ngâm rượu xoa bóp ngoài giúp giảm nhức mỏi khớp gối, tay chân.
Đây là bài thuốc đã có từ lâu, chính cụ cũng không nhớ ai đã hướng dẫn cho nhưng thấy hiệu quả thì áp dụng đến bây giờ. Thật vậy, không chỉ được biết với công dụng trong ẩm thực mà cây gấc còn là nguồn dược liệu tuyệt vời.
Về cây gấc
Gấc (tên khoa học: Momordica cochinchinensis, thuộc họ Cucurbitaceae) (1)
Là dây leo có tua cuốn như bầu, mướp với chiều dài lên đến 15m. Lá gấc hình chân vịt, xẻ thành 3 – 5 thùy. Hoa gấc vàng nhạt, quả thuôn tròn, khá to (như quả bưởi), có vỏ gai, màu xanh và chuyển dần sang vàng cam đến đỏ tươi khi chín, chứa các múi gấc bên trong. Hạt gấc tròn, dẹt, vỏ cứng và các mép lồi lõm như mai rùa.
Cây gấc chủ yếu được trồng để lấy quả làm xôi (dùng lớp áo hạt hay còn gọi là màng hạt để nhuộm màu xôi). Các dịp cưới hỏi, hội hè đình đám mà có dĩa xôi gấc đỏ tươi, thơm bổ thì tuyệt vời, ai đã ăn một lần sẽ khó mà quên được:
“Nhớ tay em đơm đĩa xôi
Cái đĩa xôi gấc đầy cời chăn chăn“. (2)
Công dụng điều trị bệnh của quả gấc
Cho đến nay, gấc được xem là loại quả có hàm lượng Lycopen (sắc tố có tác dụng chống o xy hóa) cao nhất trong số các rau quả được nghiên cứu (3).
Hơn nữa, Lycopen hòa tan trong chất béo, do đó, sử dụng dầu gấc không những giúp bảo vệ tế bào, bảo vệ gan, nâng cao sức đề kháng mà còn giảm các bệnh về tim mạch và phòng chống ung thư… Ngoài ra, gấc cũng giàu beta – carotene là tiền tố của vitamin A nên đặc biệt hiệu quả trong điều trị khô mắt, tăng cường thị lực và giúp da khỏe đẹp. Cũng vì thế mà có câu đố về quả gấc như sau:
“Quả gì chín đỏ
Vỏ có nhiều gai
Ruột đem đổ xôi
Ăn vào sáng mắt.” (4)
Cách làm rượu xoa bóp từ hạt gấc
Theo Võ Văn Chi, hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng (5).
Các bước thực hiện:Trước tiên, tách hạt gấc ra khỏi lớp màng ngoài rồi rửa sạch, phơi phô cho vỏ hạt giòn thì đập vỡ vỏ để lấy nhân hạt bên trong. Sau đó, nướng chín hạt rồi ngâm với rượu gốc (khoảng 40 độ), sau khoảng 1 – 2 tháng thì dùng để xoa bóp chỗ đau nhức, tê mỏi (có thể đập cho nhân hạt vỡ thành các mảnh nhỏ rồi mới ngâm rượu). Lưu ý, rượu dùng để xoa ngoài da, không được uống.
Cách làm tinh dầu gấc uống bổ mắt, làm mặt nạ dưỡng da
Tinh dầu gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt, điều trị khô mắt. Bên cạnh đó, dầu gấc còn được dùng để bôi trực tiếp giúp làm lành, liền sẹo các vết thương, bỏng, loét (5).
Các bước thực hiện: Trước tiên, lấy các múi gấc (hạt gấc còn lớp áo đỏ sệt bên ngoài) đặt vào ngăn mát tủ lạnh hoặc phơi nhẹ (phơi dốt dốt) cho áo hạt se lại và dễ tách ra khỏi hạt hơn. Phần dùng để làm dầu gấc là áo hạt. Tiếp theo, xay nát áo hạt rồi cho vào dầu ăn (dầu dừa là tốt nhất), đun với lửa nhẹ, đảo đều liên tục cho đến khi sôi và dầu chuyển sang màu đỏ nâu thì tắt bếp, để nguội (chú ý không đun quá sôi). Cuối cùng, lọc bỏ bã và lấy phần dầu gấc trong suốt để dùng, bảo quản trong chai lọ thủy tinh.
Cách dùng rễ gấc điều trị tê thấp, đau nhức gân xương và ngủ hay bị co giật tay chân
Rễ gấc rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sau đó sao vàng và sắc hoặc ngâm rượu uống. Liều lượng: 6 – 12 g mỗi thang, chia làm 3 lần uống trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng rễ gấc (12 – 20 g) kết hợp thêm các vị thuốc khác như dây đau xương, rễ bưởi bung, rễ ngưu tất (mỗi loại 12 g) để sắc uống (5).
Lưu ý
- Nếu dùng dầu gấc bằng cách uống thì dùng một lượng nhỏ, khoảng 5 đến 10 giọt mỗi lần trước bữa ăn, ngày dùng 2 lần (5). Nếu dùng dầu gấc kết hợp trong món ăn thì trộn vào sau khi thức ăn đã nấu chín, tránh nấu với nhiệt độ cao.
- Bên cạnh đó, nếu dùng làm mặt nạ dưỡng da, nên trộn dầu gấc với sữa tươi trước khi thoa, rửa mặt sạch sau 15 phút và có kế hoạch phù hợp về thời gian (vì màu của dầu gấc sẽ thấm vào da sau khi đắp nên tốt nhất là dùng vào ban đêm).
- Quả gấc rất giàu vitamin A nên nếu lạm dụng (liều lượng và thời gian) sẽ đến thừa vitamin A, gây ra các triệu chứng như: vàng da, đau đầu, buồn nôn, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, còi xương ở trẻ em… (1).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: