Nhắc đến quá trình kiến lập vùng đất Nam Bộ, có lẽ ít ai quên được hình ảnh những con người khai sơn phá thạch trên những đầm nước hoang sơ, nê địa đầy năn, lát, lau, sậy, bông súng ma… Thế nhưng, ngày nay, khi những loài hoang dại như thế không còn nhiều thì cũng là lúc nhiều người từng một thời ám ảnh cảnh “ăn củ năng thay cơm” lại thấy nhớ: không chỉ bởi hồi ức về một thời đã qua mà còn bởi sự ngọt ngon của những thức quà đồng quê ấy.
Về cây năn ngọt (củ năng)
Năn ngọt (tên khoa học Eleocharis dulcis) hay còn gọi là mã thầy, ô vu (loài khoai mọc ở đầm nước), củ năng, năng lùn, năng ngọt, cỏ năng, cỏ năng ống, năng bộp, cỏ năng bông đơn, cỏ năn ống,… thuộc họ Cyoeraceae (1).
Đây là loài có củ mọc ngầm, thân giả hành, tròn dài, hình ống, mặt ngoài có khía dọc, lá teo nhỏ thành bẹ ở gốc và thường mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước (cả nước mặn lẫn nước ngọt, nước phèn). Cây năn ngọt sinh trưởng rất mạnh, xâm lấn đất nông nghiệp nên bị khai phá, ngày nay còn lại rất ít (Kiên Giang, Đồng Tháp…).
Củ năng là một bộ phận được sử dụng khá phổ biến trong y học và ẩm thực (luộc, nướng, nấu canh, nấu chè, làm mứt, bánh). Vỏ củ có màu nâu bóng, thịt trắng đục, giòn, vị ngọt mát và chứa nhiều tinh bột (ngoài ra còn có chất xơ, vitamin B6, kali, đồng và mangan…) (1)
Công dụng của củ năng ngọt
- Từ lâu, củ năn ngọt đã được biết đến với các công dụng phổ biến như bổ mát, thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng… Các cách chế biến thường thấy là luộc, nướng, nấu canh (với thịt gà, thịt vịt…) hoặc nấu làm sâm bổ lượng (cùng một số vị thuốc khác như nhãn nhục, hạt sen…). Hải thượng y tông tâm lĩnh – công trình được xem là tinh hoa của y học cổ truyền trung đại Việt Nam (của Lê Hữu Trác) có bài ca về tên gọi, khí vị và chủ trị của củ năn như sau:
“Ô Vu tục gọi củ Năn
Không độc, ngọt lành, tính hòa hoạt
Cầm huyết, khoan tràng, khỏi thấp tẽ
Giải độc, trừ Hoàng đản hay nhất.” (2)
- Theo các tác giả quyển Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, củ năn ngọt còn có tác dụng cầm máu, điều trị tiểu đường, bệnh gan, vàng da, lỵ ra máu… và giúp tăng thị lực. Liều dùng độc vị là 10 – 20 g thuốc sắc (3).
Công dụng của thân cây năn ngọt
- Thân cây năn ngọt có vị đắng, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, giảm nấc ợ, liều dùng là 9 – 10 g thuốc sắc (3).
- Ngoài ra, thân cây năn ngọt còn được dùng để điều trị chứng phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn. Cách dùng: sắc uống kết hợp thân cây năn ngọt (10 – 20 g) và lô căn tươi, tức rễ cây lau (30 g) (3)
Một số nghiên cứu về vỏ củ năng ngọt
- Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ vỏ củ năn ngọt có hoạt tính kháng khuẩn, chống lại Tụ cầu vàng gây nhiễm khuẩn, E. coli gây bệnh đường ruột và Listeria monocytogenes gây nhiễm độc (có thể dẫn đến tử vong) (4)
- Nghiên cứu chiết xuất flavonoid từ vỏ củ năn ngọt cũng cho thấy tiềm năng chống ung thư, chống o xy hóa và nitrite (một loại chất bảo quản tiềm ẩn nguy cơ ung thư nếu dùng nhiều) (5)
Lưu ý
- Trong thu hoạch: phần củ năn ngọt mọc ngầm trong bùn nước sau một thời gian sẽ già, nếu không thu hoạch kịp thời sẽ bị thối rửa, mục nát.
- Trong sử dụng: Củ năn ngọt có thể ăn sống nhưng không nên ăn sống vì sẽ dễ lây bệnh sán lá ruột (do sán lá Facciolopsiasis buski gây ra) (1).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: