Trong bài viết trước, chúng ta đã nói về cỏ tai hùm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cỏ tai hổ, bạn nhé!
Về cây cỏ tai hổ
Cỏ tai hổ thường cao không quá 30 cm và có nhiều chồi dài. Lá của cây có màu đỏ và mọc chụm lại ở gốc, tỏa ra nhiều hướng.
Đặc biệt, cuống lá rất dài (dài từ 7 – 10 cm) và có nhiều lông tơ. Phiến lá tròn, mép lá có dạng răng cưa và cũng có lông tơ (lông ở mặt trên nhiều hơn mặt dưới).
Hoa của cây có màu trắng và mọc thành cụm trên một cán hoa dài (cán hoa không có lá nhưng có lá bắc và lông cứng).
Ở nước ta, cây cỏ tai hổ được trồng làm cảnh ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội. Ở Trung Quốc, cây cũng khá phổ biến và được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như hổ nhĩ thảo (虎耳草), thạch hà diệp (石荷叶), kim tuyến điếu phù dung (金线吊芙蓉), kim ty hà diệp (金丝荷叶), nhĩ đóa hồng (耳朵红), … (2).
Công dụng làm thuốc của cây cỏ tai hổ
Cả cây cỏ tai hổ đều có vị cay đắng, tính hàn và hơi độc. Theo thuocnam.mws.vn, cây được dùng tươi hoặc phơi âm can cho khô để làm thuốc điều trị viêm họng (bằng cách sắc uống từ 5 – 10 g mỗi ngày).
Tuy nhiên, theo Bản thảo cương mục, nếu dùng cỏ tai hổ mà dùng sống thì sẽ bị các phản ứng như buồn nôn, tiêu chảy… còn dùng chín thì sẽ giảm được các triệu chứng này (4).
Đó là vì cây có độc (nhẹ). Vì vậy, dân gian thường chỉ dùng cỏ tai hổ làm thuốc ngoài da để điều trị các bệnh như: viêm tai giữa, áp xe, lở ngứa ngoài da, mụn nhọt (vì cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, cầm máu). Ở Trung Quốc, cây cũng được dùng làm thuốc ngoài da với các công dụng tương tự vừa kể trên (2).
Cách dùng: lấy cây tươi giã nát rồi đắp lên (hoặc lấy dung dịch cây tươi nhỏ vào) (3).
Các nghiên cứu về cây cỏ tai hổ
Trên thế giới, cỏ tai hổ cũng chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, bước đầu có thể ghi nhận những hoạt tính như chống oxy hóa và chống ung thư của loại cây này (và cần thêm nhiều công trình nghiên cứu lâm sàng tiếp theo để có thể ứng dụng thực tế).
- Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Bioorganic & Medicinal Chemistry, chiết xuất etanol từ cây cỏ tai hổ có nhiều hoạt chất có tác dụng chống lại tế bào ung thư dạ dày của người (BGC-823) (5).
- Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí The Pharmaceutical Society of Korea, chiết xuất ethanol từ cây cỏ tai hổ có chứa các hoạt chất giúp chống oxy hóa và chống lão hóa. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có tiềm năng làm thành phần sản xuất các sản phẩm giúp chống nhăn da và chăm sóc da (6).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: