Cây bồ hòn còn được gọi trại âm là cây bòn hòn. Bên cạnh đó, người ta tin rằng tràng hạt được làm từ hạt bồ hòn có thể xua đuổi tai họa, tà ma, tiêu trừ phiền não nên còn gọi nó là “vô hoạn tử”. (1)
Tên khoa học Sapindus saponaria L (2)
Đặc điểm
Bồ hòn là cây thân gỗ, lá kép lông chim, hoa lưỡng tính, quả tròn hạt bên trong cũng màu đen hoặc màu cánh gián như quả nhãn. Thịt quả khá dày, khi chín mềm lại khiến cho cả vỏ và thịt quả đều bị tóp lại, nhăn nheo. Khi chín, quả bồ hòn có màu vàng trong, nhìn bắt mắt nhưng vị của nó lại rất đắng nên mới có câu ca dao:
“Đắng này xem tựa bồ hòn
Chát này xem tựa sung non ngậm vào”
Bồ hòn – ứng dụng trong đời sống và sản xuất
Nhờ lượng saponin cao trong thịt quả với đặc điểm tạo bọt, kháng khuẩn, không độc hại và thân thiện với môi trường mà từ lâu, nước bồ hòn đã được dùng để lau rửa, giặt giũ, tắm gội, tẩy trắng, đánh bóng đồ trang sức, trừ sâu, chống côn trùng… (tên tiếng Anh của quả bồ hòn là Soapnut, nghĩa là quả xà phòng) (7)
Có nhiều công thức làm nước bồ hòn nhưng đơn giản nhất là ngâm thịt quả bồ hòn khô (10 quả cho 1 lít nước) rồi đun sôi và vặn nhỏ lửa để ninh, sau đó để qua đêm rồi lọc lấy nước sử dụng. Bên cạnh đó, người ta còn làm thành bột bồ hòn hoặc ủ enzyme để tiện dụng hơn.
Không chỉ được trồng để phủ xanh đồi trọc, cung cấp gỗ cho sản xuất mà quả của cây bồ hòn còn là nguyên liệu trong sản xuất hàng tiêu dùng như xà phòng, kem đánh răng, dầu gội thảo dược Ayurvedic…, mỹ phẩm (kem dưỡng da) và dược phẩm…(8)
Bồ hòn – vị thuốc trong y học
Thịt quả bồ hòn: Nước sắc thịt quả bồ hòn (từ 1 đến 3 quả) được biết đến với các công dụng như: kháng khuẩn, chống viêm, tăng cường miễn dịch, chống ung thư, giảm tiểu đường, béo phì, làm tan máu bầm, điều trị viêm amidan, đau họng, ho gà, viêm khí quản, hầu họng sưng đau… Ngoài ra, thịt quả bồ hòn còn được dùng để chữa các vết côn trùng đốt (ngâm và bôi lên), điều trị gàu và nấm tóc (gội đầu bằng nước bồ hòn), làm sạch và mịn da, điều trị vẩy nến và mụn (dùng nước bồ hòn như sữa rửa mặt) (3).
Theo Tạp chí hóa học (Journal of Chemistry), chiết xuất thịt quả bồ hòn còn cho thấy hoạt động chống lại các vi khuẩn như: Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeuroginosa) gây viêm nhiễm và nhiễm trùng huyết, Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây nhiễm trùng, chốc lở, áp xe, ngộ độc thực phẩm…, Phế trực khuẩn Friedlander (Klebsiella pneumoniae) gây các bội nhiễm ở đường hô hấp, Khuẩn lạc (Bacillus cereus) gây ngộ độc thực phẩm… (3).
Ngoài ra, chiết xuất từ thịt quả bồ hòn cũng cho thấy hoạt tính chống lại nấm men Candida albicans (gây viêm nhiễm da, miệng và cơ quan sinh sản) (4).
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ 1:10 (g/ml) giữa bột bồ hòn và dung dịch nước ethanol 50 % (ethanol-water) là sự kết hợp tốt nhất để chiết xuất saponin hiệu quả (năng suất thu được cao nhất trong các dung dịch thí nghiệm: 78,1%) (5).
Lá bồ hòn: sắc uống trị ho gà, giã nát và đắp lên vết côn trùng đốt giúp giảm sưng, đau (8)
Vỏ cây bồ hòn: nước ngâm từ rễ bồ hòn giã nát được dùng để rửa vùng da bị vảy nến, mụn mủ và rửa sạch lại bằng nước.
Rễ bồ hòn: sắc uống giúp thanh nhiệt, tan đàm, giải độc, điều trị cảm mạo, sốt cao, ho, khó thở…
Hạt bồ hòn: giã nát hạt bồ hòn rồi trộn với một ít nước để chấm vào chỗ răng đau (hoặc lấy nước cốt pha loãng để ngậm).
Chiết xuất từ hạt bồ hòn còn cho thấy khả năng ức chế các gốc tự do và Tyrosinase (loại enzyme dễ hoạt hóa dưới ánh nắng mặt trời, thiếu Tyrosinase dẫn đến bệnh bạch tạng, quá dư Tyrosinase sẽ làm sạm và đen da). Ngoài ra, hạt bồ hòn còn được ứng dụng trong y học Ayurveda để loại bỏ sạm da và tàn nhang, làm sạch da dầu. (4).
Lưu ý
- Saponin trong quả bồ hòn có độc nhưng được cơ thể người hấp thụ kém, do đó nó đi qua cơ thể mà không gây hại. Tuy nhiên, saponin lại độc hơn nhiều đối với cá nên khi dùng một lượng lớn có thể làm choáng váng hoặc giết chết cá. (6)
- Nước bồ hòn có tính tẩy rửa nên cần tránh nuốt một lượng lớn hoặc để rơi trực tiếp vào mắt. Khi áp dụng để điều trị bệnh, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Nếu thấy ngứa, đỏ da sau khi sử dụng thì nên lập tức ngưng ngay.
- Nước bồ hòn lành tính, phù hợp với trẻ em và những người có da nhạy cảm nhưng phụ nữ có thai ở giai đoạn đầu cũng không nên sử dụng.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: