Bổ dương Ung thư tiểu đường mất ngủ sỏi thận suy thận béo phì Huyết áp cao Bệnh trĩ Viêm dạ dày Đại tràng Xương khớp Dưỡng da Tóc bạc sớm Bồi bổ Viêm gan B

Biển súc thuốc nam hay giúp điều trị mụn nhọt, viêm bàng quang và sỏi thận

Cao chè vằng nguyên chất
  • Tên gọi khác: Cây biển súc còn có tên gọi là rau đắng, cây càng tôm, cây xương cá…
  • Tên khoa học: Polygonum aviculare, thuộc họ Rau răm: Polygonaceae (3)
  • Tính vị: Vị đắng, tính bình.
  • Công dụng chính: Tiêu viêm, điều trị viêm bàng quang, viêm tiết niệu, tiểu buốt, sỏi thận, viêm âm đạo, lở ngứa ngoài da.

Mỗi thuốc nam hay có nhiều tên gọi sẽ tạo nên ấn tượng về giá trị và tính ứng dụng của nó. Tuy nhiên, điều này lại dễ gây ra nhầm lẫn, nhất là khi các tên khác của nó trùng nhau. Một trường hợp điển hình có thể kể đến là cây rau đắng với sự chồng chéo về tên gọi và hình ảnh.

Trong thuocnam.mws.vn, cây rau đắng chính là cây biển súc (扁蓄). Tuy nhiên, ở nước ta, hình ảnh về cây biển súc trên nhiều trang mạng vẫn bị nhầm với cây rau đắng đất hoặc rau đắng biển (vì trên thực tế, cả ba loại này đều được gọi chung là rau đắng, ngoài ra, theo Võ Văn Chi, cây cóc mẳn cũng được gọi là rau đắng (1)). Trong khi đó, các loài này đều không có mối liên hệ họ hàng với nhau. Vì vậy, khi muốn dùng biển súc làm thuốc, cần lưu ý để nhận dạng hay lựa chọn nguồn cung cấp, nhất là khi có nhu cầu về các dược tính chuyên biệt của nó.

Phân bố và thu hái

Phân bố: Một số sách nghiên cứu y học cho rằng cây biển súc có ở Việt Nam (ở các tỉnh phía Bắc hoặc cả nước) nhưng theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì cây biển súc chỉ có ở Trung Quốc (2), cụ thể, theo trang baike.baidu là ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Việt Nam, cây biển súc đa phần bị nhầm với cây mễ tử liễu (Polygonum plebeium) và cây rau đắng đất (Glinus oppositifolius) vì hình dáng gần giống nhau giữa chúng (Tạp chí Dược liệu, số 04/2014, tập 19, bài báo Phân biệt biển súc với hai loài dễ nhầm lẫn là mễ tử liễu và rau đắng đất bằng phương pháp hình thái) (2).

Thu hái: Khi dùng biển súc làm thuốc, người ta thường chọn những cây đang ra hoa để thu hái phần thân cỏ trên mặt đất rồi rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.

Đặc điểm cây biển súc

Cây biển súc có tên khoa học là Polygonum aviculare, thuộc họ Rau răm: Polygonaceae (3). Ngoài tên gọi thông tục là rau đắng, biển súc còn được gọi là cây càng tôm, cây xương cá, mụ khuyết, biển biện… Ở Trung Quốc, nó còn được gọi là biển súc liệu (“liệu” nghĩa là rau đắng), trúc phiến thái (rau lá trúc)… (4).

Về hình thái, biển súc là cây thân thảo hàng năm, cao từ 10 – 40 cm. Thân cây bò lổm ngổm trên mặt đất, phân nhiều nhánh với các lá hình mũi mác, đuôi lá nhọn, đầu lá tròn hoặc nhọn (rộng từ 1 – 4 cm, dài từ 6 – 10 cm). Hoa biển súc mọc thành cụm ở nách lá với các bao hoa màu xanh, cánh hoa màu trắng hoặc đỏ nhạt và nhị hoa màu vàng (khoảng 8 nhị). Quả của cây có 3 cạnh và chứa một hạt bên trong.

Hình ảnh cây biển súc

Công dụng của cây biển súc

Đúng với tên gọi thông tục của nó là rau đắng, biển súc có vị đắng. Vị thuốc này thông vào bàng quang và được biết đến với các công dụng như:

  • Lợi tiểu, điều trị sỏi thận (sỏi bàng quang), tiểu rắt, tiểu buốt, bí tiểu.
  • Sát khuẩn, giảm sưng, giải độc, hạ sốt.
  • Điều trị mụn nhọt, vàng da, kiết lỵ, táo bón.
  • Điều trị giun sán ở trẻ em, phụ nữ ngứa âm hộ, da lở ngứa và chảy nước vàng.

Cách dùng: mỗi ngày sắc uống từ 6 – 12 g biển súc khô. Ngoài ra, nếu bị rắn cắn, có thể hái một ít biển súc tươi rồi giã nát, vắt lấy nước, gạn cho trong rồi uống, phần bã thì đắp lên vết thương (5) (6).

Những bài thuốc từ biển súc

  • Tiểu buốt, viêm bàng quang, viêm đường tiểu tiện: các bệnh nhân có thể kết hợp biển súc (12 g, đã phơi khô) với các vị thuốc khác như mộc thông (5 g), hoạt thạch (10 g), mã đề (8 g) rồi sắc theo cách thông thường (ba chén còn một) và chia thành 3 lần uống trong ngày (5).
  • Đau nhức, sưng tấy: Bên cạnh cách đắp ngoài da hoặc dùng dưới dạng thuốc sắc, biển súc còn được dùng dưới dạng thuốc rượu xoa bóp hàng ngày để giảm sưng đau và nhức mỏi (băm nhỏ biển súc khô rồi ngâm rượu) (6).

Các nghiên cứu về hoạt tính của biển súc

  • Chống viêm và chống oxy hóa: Theo tạp chí Fitoterapia, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm trên 11 hoạt chất flavonol glucuronides (được phân lập từ biển súc) đều cho thấy  tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm (7).
  • Hỗ trợ điều trị viêm nướu: Một thí nghiệm khảo sát trên 60 sinh viên nam (từ 18 – 25 tuổi) sử dụng nước súc miệng có chiết xuất từ biển súc (1 mg/ ml) (thời lượng hai lần mỗi ngày và liên tục trong hai tuần) đã cho thấy những cải thiện về tình trạng viêm nướu. Do đó, chiết xuất biển súc được xem là có thể hỗ trợ điều trị viêm nướu (mặc dù gây ra sự gia tăng về mảng bám ở răng) (tạp chí Journal of Ethnopharmacolocy) (8).
  • Điều trị ung thư vú: Theo tạp chí Journal of Phamarceautical Sciences, chiết xuất ethanol từ biển súc giúp ức chế tế bào ung thư vú dòng MCF – 7, từ đó, thảo dược này được định hướng để nghiên cứu thêm những hoạt tính của nó đối với các dòng ung thư khác (9).
  • Ngăn chặn xơ vữa động mạch: Một thí nghiệm được tiến hành trên cơ thể chuột cho thấy chiết xuất từ biển súc giúp làm giảm trọng lượng cơ thể, giảm mỡ máu, huyết áp và các mảng xơ vữa động mạch. Từ đó, thảo dược này được xem là có tiềm năng ngăn chặn xơ vữa động mạch (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology) (10).
  • Giúp giảm mệt mỏi: Theo tạp chí Phytomedicine, kết quả thí nghiệm trên cơ thể chuột bị căng thẳng (stress) trong 15 ngày liên tiếp cho thấy khả năng làm giảm mệt mỏi của chiết xuất từ biển súc (11).

Lưu ý

  • Độc tính: Biển súc được xem là khá an toàn với người nhưng không nên dùng làm thức ăn cho các động vật như ngựa, cừu (vì có thể gây rối loạn tiêu hóa) và nhất là chim bồ câu (rất mẫn cảm với độc tính của biển súc). Bên cạnh đó, thí nghiệm trên thỏ và mèo cũng cho thấy độc tính của biển súc (liều gây chết bằng đường uống là 20 mg/ kg thể trọng) (4).
  • Đối tượng: Biển súc có vị đắng, tính hàn, vì vậy, không nên lạm dụng để tránh làm hao tổn tinh khí. Mặt khác, những người khỏe mạnh, không bị thủy thũng, thấp nhiệt thì không nên dùng biển súc (4).
Nếu thấy bài viết trên có ích, các bạn hãy chia sẻ trên Facebook cho người thân và bạn bè mình biết nhé. Cảm ơn bạn!

Gửi câu hỏi cần giải đáp: